Bộ Công Thương Việt Nam nêu biện pháp ứng phó với căng thẳng thương mại toàn cầu

Trước những diễn biến phức tạp của thị trường thế giới, Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng các kịch bản và phương án ứng phó nhằm bảo vệ lợi ích thương mại của Việt Nam và giảm thiểu tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Sputnik
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thương mại thế giới đang nổi lên ba xu hướng chính: "phi toàn cầu hóa", dẫn đến sự quay trở lại của các công cụ thuế quan; gia tăng bảo hộ thị trường thông qua rào cản kỹ thuật, thương mại và phòng vệ thương mại; cùng với đó là sự khó đoán định trong chính sách của các nền kinh tế lớn, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu.
Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản ngày càng siết chặt các yêu cầu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, lao động và an toàn thực phẩm. Việc áp dụng các tiêu chuẩn mới khiến doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với thách thức lớn trong việc đảm bảo tiêu chí xuất khẩu. Đặc biệt, tại châu Âu và Bắc Mỹ, những động thái bảo hộ mới đang ảnh hưởng đến đà hồi phục thương mại toàn cầu và tác động không nhỏ đến hàng hóa Việt Nam.

Biến động chính sách tại Mỹ và tác động đến thương mại Việt Nam

Đáng chú ý, đầu tháng 2/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kích hoạt điều khoản về tình trạng khẩn cấp quốc gia theo Đạo luật Thẩm quyền Kinh tế Khẩn cấp (IEEPA) nhằm đối phó với vấn đề nhập cư bất hợp pháp và kiểm soát buôn lậu chất gây nghiện. Đây được xem là cơ sở pháp lý để Mỹ áp thuế bổ sung 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico, 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chính phủ họp phiên thường kỳ, bàn giải pháp ứng phó nguy cơ chiến tranh thương mại
Sau động thái trên, Canada và Mexico đã khẩn cấp đàm phán với Mỹ và tạm thời được miễn thuế trong vòng 30 ngày. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chịu mức thuế mới, dẫn đến việc Bắc Kinh trả đũa bằng cách áp thuế cao hơn đối với hàng hóa Mỹ và hạn chế xuất khẩu nhiều loại khoáng sản quan trọng.
Những diễn biến này có nguy cơ tác động gián tiếp đến Việt Nam, do các doanh nghiệp FDI sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới.

Chiến lược ứng phó của Bộ Công Thương

Trước tình hình căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường theo dõi sát diễn biến thị trường, chính sách thương mại quốc tế, nhằm tham mưu kịp thời cho Chính phủ trong việc đưa ra các biện pháp đối phó linh hoạt.
Ngành công thương tiếp tục kiên định chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, đa dạng hóa ngành hàng và sản phẩm. Cùng với đó, tận dụng các lợi thế của Việt Nam để nâng cao vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng giật mình vì đồ Temu quá rẻ
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế rủi ro và thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là:
Hỗ trợ doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng tận dụng lợi thế từ 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) và gần 70 cơ chế hợp tác song phương, như Ủy ban liên Chính phủ, Hội đồng thương mại… để khai thác hiệu quả thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới.
Tiếp tục đàm phán các FTA mới với các thị trường tiềm năng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang những khu vực có nhu cầu cao.
Tăng cường sự hiện diện của đại diện thương mại Việt Nam tại các thị trường chiến lược nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường tốt hơn và bảo vệ lợi ích thương mại của Việt Nam.

Tăng cường giám sát gian lận thương mại, thu hút đầu tư công nghệ cao

Cùng với việc mở rộng thị trường, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh kiểm soát gian lận thương mại và xuất xứ, thực hiện nghiêm Đề án của Chính phủ về "Tăng cường quản lý nhà nước đối với chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ".
Việt Nam cũng tranh thủ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng quốc tế để thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ quan trọng. Bộ Công Thương sẽ sàng lọc nghiêm ngặt các dự án đầu tư FDI, nhằm ngăn chặn nguy cơ Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác.
Thủ tướng kêu gọi các "cá mập" hiến kế giúp nền kinh tế tăng trưởng hai con số
Ngoài ra, ngành công thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi theo hướng kinh tế tuần hoàn, tăng cường ứng dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sạch để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng khắt khe từ các thị trường phát triển.

Tận dụng cơ hội và củng cố quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ

Đối với thị trường Mỹ, Bộ Công Thương đánh giá quan hệ kinh tế giữa hai nước mang tính bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp mà hỗ trợ lẫn nhau trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu cạnh tranh với các nước thứ ba, đồng thời cung cấp lựa chọn đa dạng hơn cho người tiêu dùng Mỹ. Trong thời gian tới, hợp tác kinh tế thương mại sẽ tiếp tục phát triển ổn định trong tổng thể quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.
Bộ Công Thương sẽ tận dụng cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA) để chủ động xử lý các vấn đề thương mại, đồng thời kiến tạo tầm nhìn chung, ổn định lộ trình hợp tác lâu dài giữa hai quốc gia.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, Bộ Công Thương nhấn mạnh, ngoài nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, sự nhạy bén và chủ động thích ứng của doanh nghiệp là yếu tố then chốt. Các doanh nghiệp cần nhanh chóng đa dạng hóa thị trường, đổi mới công nghệ, kiểm soát tốt nguồn gốc nguyên liệu và chú trọng xây dựng thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.
Thảo luận