Trong chương trình làm việc, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian để cho ý kiến và thông qua 4 dự án luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 5 nghị quyết, bao gồm: nghị quyết về sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước; nghị quyết về tổ chức các cơ quan của Quốc hội; nghị quyết về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (sửa đổi); nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (sửa đổi); nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (sửa đổi).
Trong hai ngày cuối của kỳ họp, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, bao gồm cơ cấu tổ chức Chính phủ, sắp xếp bộ máy các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức bộ máy các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và danh sách thành viên các Ủy ban.
Bên cạnh công tác tổ chức, Quốc hội sẽ thảo luận nhiều đề án và chính sách quan trọng, trong đó có Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên.
Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua nghị quyết thí điểm tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cơ chế đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, chủ trương đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, cũng như các chính sách đặc thù liên quan đến dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Kỳ họp dự kiến sẽ bế mạc vào sáng 19/2.