Chuyên gia năng lượng Việt Nam: sáng kiến biến đổi khí hậu là “cú lừa thế kỷ”

Biến đổi khí hậu
Chuyên gia năng lượng TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, đã chia sẻ những quan điểm mạnh mẽ về chuyển đổi năng lượng xanh và những tác động tiềm ẩn đối với các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam.
Sputnik
Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ chính thức thông báo rút khỏi Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP). Đây là cơ chế tài chính khí hậu 10 nước giàu có hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển đổi từ điện than sang nguồn năng lượng sạch hơn.
JETP được công bố lần đầu tại Hội nghị COP26 vào năm 2021 và đã nhận được sự tham gia của các quốc gia như Nam Phi, Indonesia, Việt Nam và Senegal. Mục tiêu của sáng kiến này là huy động các khoản tài chính lên đến 15,5 tỷ đô la Mỹ từ các nguồn công và tư nhân trong vòng 3-5 năm để hỗ trợ các quốc gia này trong quá trình chuyển đổi năng lượng và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Quyết định này được xem là phù hợp với sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump, bởi ông cho rằng chương trình JETP không phản ánh các giá trị và đóng góp của Mỹ đối với vấn đề khí hậu toàn cầu.
Quyết định rút lui của Mỹ không phải là điều bất ngờ. Theo TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng ban Chiến lược của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, và hiện là chuyên gia tư vấn độc lập về năng lượng, động thái này phản ánh chính sách khí hậu của chính quyền Tổng thống Donald Trump, vốn không tin tưởng vào tính bền vững của các cam kết khí hậu quốc tế.

“Chính phủ Mỹ rút khỏi liên minh và không quan tâm đến chương trình này là điều đúng đắn. Chúng ta sẽ sớm chứng kiến Mỹ quay lại với năng lượng hóa thạch như than, dầu và khí,” TS. Sơn nhận định với Sputnik.

AI đã mô tả nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam trông như thế nào trong tương lai
Việt Nam sẽ làm gì với năng lượng nguyên tử?
Lý giải về quyết định này, TS. Sơn cho rằng đây là một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm ưu tiên lợi ích kinh tế trong nước và bảo đảm nguồn cung năng lượng nội địa, thay vì tiếp tục hỗ trợ các sáng kiến khí hậu toàn cầu. Ông chỉ ra rằng dưới áp lực từ ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và nhu cầu bảo đảm an ninh năng lượng, Mỹ đang tái phân bổ nguồn lực để tập trung vào các dự án năng lượng trong nước.
Về hoạt động của Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) và các sáng kiến tương tự, TS. Sơn nghi ngờ về hiệu quả thực sự của chương trình này.
"Tôi cho rằng, việc hỗ trợ chuyển đổi năng lượng thực tế không có ý nghĩa gì. Các nước phương Tây, trong đó có Mỹ (dưới thời Joe Biden), chỉ đang sử dụng 'con bài' này để duy trì ảnh hưởng và lợi ích kinh tế của mình, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển. Việc này thực chất là 'lừa bịp'. Đây là “chủ nghĩa thực dân mới về Carbon”, hay nói cách khác “Biến đổi khí hậu” là cú lừa thế kỷ," ông Sơn thẳng thắn nêu quan điểm.
Các chính sách của Trump sẽ không tạo ra sự chuyển đổi sang năng lượng xanh
Chuyên gia cũng chỉ ra rằng các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Anh và Đức, đã sử dụng hàng trăm tỷ tấn than trong suốt quá trình công nghiệp hóa, thải ra lượng lớn khí CO₂ vào khí quyển. Giờ đây, họ lại thúc đẩy việc giảm phát thải để kiểm soát và kìm hãm các quốc gia đang phát triển. Điều này khiến ông Sơn lo ngại về tác động tiêu cực đối với các quốc gia như Việt Nam.

“Việt Nam cần tỉnh táo trong việc chuyển đổi năng lượng, nếu không chi phí điện năng sẽ tăng lên đáng kể, đặc biệt là nếu các dự án nhiệt điện chạy than không được nghiên cứu kỹ lưỡng”, TS. Nguyễn Thành Sơn cảnh báo.

Chuyên gia đánh giá sự thận trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, đồng thời phản đối những chính sách có thể gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và sự phát triển bền vững của đất nước.
Thảo luận