Tại Moskva, bản dịch Toàn thư tập V gồm hơn một ngàn trang, bổ sung cho bộ tuyển tập Những di sản văn tự phương Đông của công ty xuất bản Văn học phương Đông, đã được phát hành. Dự kiến bộ biên niên sử bản tiếng Nga sẽ gồm tám tập. Đây là lần đầu tiên Đại Việt sử ký toàn thư được dịch ra tiếng nước ngoài. Cho đến nay, bộ sách sử mới có bản Quốc ngữ (tiếng Việt hiện đại) nhưng không kèm theo các dẫn giải chi tiết.
Công tác biên dịch bộ Toàn Thư ở Nga được bắt đầu vào cuối những năm 1990. Sự thiếu hụt bản dịch của nguồn dữ liệu quí này làm cản trở công tác nghiên cứu đầy đủ và chi tiết về lịch sử Việt Nam, là nỗ lực lâu nay của các nhà Việt Nam học người Nga. Công trình dịch đã tập hợp các chuyên gia Nga xuất sắc nhất về lịch sử Việt Nam và Hán-Việt. Họ là các nhà khoa học nước ngoài đầu tiên đạt tới trình độ các học giả Việt Nam hiện đại trong nghiên cứu bộ Toàn thư.
Tập V của bản dịch tiếng Nga tập trung vào giai đoạn nhà Minh đô hộ Việt Nam, cuộc kháng chiến nhân dân và sự hình thành các triều đại Hậu Lê ở Việt Nam. Sách dày hơn so với các tập trước. Bản Kỷ Toàn Thư chiếm 230 trang của tập V, các chú thích và hướng dẫn nằm trong 400 trang sách. Giáo sư Andrey Fedorin, người biên dịch và soạn giả của tập V cho biết:
“Chúng tôi cung cấp chú thích và hướng dẫn về hầu hết các nhân vật được đề cập trong biên niên sử, từng tên địa danh, các chức vụ.”
Tiếp đến, khoảng 500 trang sách đã tập trung các trích đoạn biên niên sử Trung Quốc viết về giai đoạn tương ứng của lịch sử Việt Nam. Như vậy, người đọc có thể so sánh về cách trình bày cùng một sự kiện lịch sử bởi các nhà chép sử Việt Nam cũng như Trung Quốc.
“Trong sử biên niên Trung Quốc, — Giáo sư Fedorin nhận xét, – các thông tin về lịch sử Việt Nam thời kỳ này thậm chí còn nhiều hơn trong sách sử của Việt Nam. Chúng tôi đã so sánh Toàn Thư và các tư liệu của Trung Quốc. Rất giống báo cáo của các địch thủ từ sân khấu chiến sự: cùng những sự kiện và nhân vật, nhưng với cách diễn giải khác nhau.”
Biểu hiện này có trong ghi chép về các trận đánh của người Việt Nam chống quân xâm lược, cũng như về các nhân vật của thời đại, ví dụ — Trần Thiêm Bình, một kẻ mạo xưng theo sử Việt và hoàng tử theo sách Trung Quốc. Sự khác biệt cũng được ghi nhận trong tiểu sử Lê Lợi và những nguyên nhân khiến nhân vật xuất chúng này đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa kháng chiến chống quân xâm lược.
Công việc biên dịch Toàn Thư đã đưa Giáo sư Fedorin đi tới một số kết luận về tác giả quyển 9 và một phần quyển 10 của Bản Kỷ Toàn Thư. Các văn bản chỉ ra rằng, tác giả không những sở hữu dữ liệu về hoạt động của quân khởi nghĩa, mà còn nắm tương đối rõ về tình hình của bộ máy cai trị quận Giao Chỉ. Khi nhắc tới các nhân vật Trung Quốc, tác giả đã cung cấp cả thông tin không có trong nguồn của Trung Quốc. Giáo sư Fedorin cho rằng, tác giả văn bản gốc của quyển 9 và quyển 10 là nhà biên khảo Phan Phù Tiên, ông từng làm việc trong cơ quan hành chính quận Giao Chỉ và có thể đã quan sát các sự kiện từ phía bộ máy quan lại nhà Minh.
Công tác dịch Toàn Thư sang tiếng Nga đang được khẩn trương xúc tiến. Dự kiến, tập tiếp theo của bộ sách sẽ phát hành trong năm tới. Giáo sư Fedorin hy vọng rằng, tập VIII — tập cuối cùng sẽ ra mắt bạn đọc vào cuối thập kỷ này. Nếu nhớ lại Đại Việt sử ký toàn thư mag ngày nay chúng ta có đã được hình thành trong 5 thế kỷ thì 20 năm của bản dịch biên niên sử sang tiếng Nga có ghi chú là khoảng thời gian không quá dài.