Kết luận chứa đựng trong cuốn sách “Ukraine-gate: Essence of Crisis” của học giả và nhà văn Nhật Bản Toshihiko Siobara, được phát hành tại Nhật Bản vào cuối năm ngoái. Tác giả đã chia sẻ quan điểm của ông với phóng viên Andrei Ivanov đài phát thanh Sputnik về các sự kiện bên trong và xung quanh Ukraina.
“Cuốn sách được in một nghìn bản viết về một Hoa Kỳ không tốt. Nhưng dù sách đã bán gần hết, vẫn rất ít người biết về một nước Mỹ như vậy. Giá như các phương tiện truyền thông sẵn sàng góp phần chuyển tải, đưa ý tưởng này tới nhiều người đọc.”
“Tôi là thành viên Câu lạc bộ Valdai và đã nhiều lần dùng bữa với Tổng thống Putin. Như thế không có nghĩa là tôi chỉ viết những điều tốt đẹp về ông. Tôi đã nghiên cứu nước Nga hơn 10 năm và tôi cũng viết về những vấn đề của ông Putin. Nhưng lúc này tôi đã viết rằng khủng hoảng của Ukraina không do Nga mà là Mỹ tạo nên, bởi thế mà nước Mỹ không tốt. Sự thật là vậy và tôi viết về nó. Tôi làm điều này không vì ông Putin. Tôi là nhà khoa học và nghiên cứu những thực tế, sự kiện diễn ra từ tháng 11 năm 2013, đặc biệt là cuộc trò chuyện tai tiếng của Thứ trưởng Ngoại giao Nuland với Đại sứ Mỹ tại Ukraina diễn ra ngày 11 tháng 2 năm 2014. Bất cứ ai có cơ hội làm quen với câu chuyện này đều sẽ nhận thấy tình hình Ukraina hiện nay là do người Mỹ gây nên. Nhưng hầu hết mọi người ở phương Tây tin rằng, nước Nga có lỗi.”
“Hoa Kỳ thực hiện một chính sách được gọi là chủ nghĩa tân bảo thủ hoặc chủ nghĩa tân tự do. Trong đó, thị trường chiếm lĩnh vai trò rất lớn. Để điều khiển thế giới, Mỹ đang dần làm cho thị trường càng tự do hơn và nhờ đó gia tăng sự hùng mạnh của nước Mỹ. Khi ông Obama lên nắm quyền, nhiều người nghĩ Hoa Kỳ đã thay đổi. Nhưng đấy là sự nhầm lẫn. Quyền lực ở Mỹ thuộc về giới quân sự, các nhà công nghiệp, bộ máy quan chức, những nhân vật không hề bị thay đổi. Vì vậy, dưới thời ông Obama chính sách của Mỹ cũng không chuyển biến đáng kể.”
“Hồi tháng 11 và 12 năm 2013, khi Tổng thống Viktor Yanukovych lưỡng lự trước quyết định liên kết với EU, Hoa Kỳ đã tăng cường hành động xúi giục các nhân vật dân tộc chủ nghĩa trong chính quyền Ukraina, dùng họ như một lực lượng đối lập chống ông Yanukovych. Thông qua các mạng xã hội, truyền hình cáp, Twitter, các phương tiện truyền thông mà chính phủ không kiểm soát, khai thác đúng mô hình đã được thử thách trong "mùa xuân Ả Rập", người Mỹ đã khơi dậy ở Ukraina các lực lượng và công cụ chống chính phủ, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Cuộc khủng hoảng chính là kết quả của thực tế nước Mỹ đã xúi giục được các phần tử dân tộc chủ nghĩa lật đổ Tổng thống Yanukovych. Tuy nhiên, những chính trị gia Mỹ có lương tâm đã thừa nhận rằng, ông Yanukovych là tổng thống được bầu một cách dân chủ, vì vậy ngay cả những cáo buộc tham nhũng cũng không thể biện minh cho việc lật đổ ông bằng cuộc cách mạng bạo lực.”
“Nếu tìm hiểu việc tiếp đến Crưm đã sáp nhập với Nga, có thể nhận ra ở đây vai trò kết cục từ những hành động của lực lượng Khu vực cánh hữu. Lúc này, người Ukraina không muốn hiểu những người Nga sống ở Crưm, nhưng rõ ràng nếu Crưm không sáp nhập với Nga thì có thể có hàng chục ngàn người đã bị giết hại như ở Lugansk và Donetsk. Ai cứu người dân Crưm? Ông Putin. Không lẽ điều đó là xấu? Không, điều xấu là nước Mỹ đã tạo ra tiền lệ cho những hành động như vậy, kích động chủ nghĩa dân tộc.”
“Tóm lại, nói gì thì nói, nước Mỹ không tốt. Nhưng các phương tiện truyền thông phương Tây chẳng thể nào lên tiếng chỉ trích Mỹ.”
Trên đây là ý kiến của học giả và nhà văn Nhật Bản Toshihiko Siobara.