Chuyên viên Aleksandr Zhebin Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) cho rằng chủ đề này sẽ được sử dụng để gây áp lực công nhiên với Bình Nhưỡng, nhất là lại vào thời điểm khi chế độ Bắc Triều Tiên thi hành đường lối mềm dẻo hơn trước.
Ủy ban Nhân quyền của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khuyến nghị Hội đồng Bảo an của tổ chức toàn thế giới chuyển giao hồ sơ về những tội phạm chống loài người của chính quyền CHDCND Triều Tiên ra xét xử tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague. Chuyên viên Aleksandr Zhebin coi bước đi như vậy là động thái khiêu khích không đúng chỗ.
“Giả sử chuyển giao hồ sơ chống chính phủ CHDCND Triều Tiên cho ICC, thì điều đó có nghĩa là sẽ bổ nhiệm công tố viên đặc biệt và có thể phát lệnh bắt giữ đưa nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế”.
Mà như vậy rõ ràng là sự khiêu khích, là bước đi tuyệt vọng từ phía phương Tây, sẽ dẫn đến những hậu quả không thể lường trước, — chuyên viên Nga nhận xét. Việc là ở chỗ, Bắc Triều Tiên vẫn đứng vững, bất chấp lệnh cấm vận liên tục 60 năm qua của Hoa Kỳ. Trừng phạt áp đặt với Bắc Triều Tiên từ rất lâu trước khi Bình Nhưỡng bắt đầu triển khai chương trình tên lửa và hạt nhân. Tức là hình thức trừng phạt và tất cả những hạn chế mà người Mỹ sau đó đã đạt được thông qua Hội đồng Bảo an, đã xuất hiện từ rất lâu trước khi có những lý do mà họ nêu ra để biện minh. Đơn giản là đất nước này không hợp ý Hoa Kỳ, còn người Mỹ thì muốn thay đổi chế độ ở đó để thiết lập sự kiểm soát trên toàn bộ bán đảo Triều Tiên và tiếp cận vùng biên giới đất liền của Nga và Trung Quốc.
Áp lực quân sự-chính trị với CHDCND Triều Tiên đã không mang lại kết quả gì. Trừng phạt kinh tế cũng không dẫn đến sự sụp đổ của chế độ, điều mà phương Tây trông đợi, — chuyên viên Aleksandr Zhebin nhận xét tiếp. Bây giờ người ta nghĩ ra một thứ công cụ mới để gây sức ép với Bắc Triều Tiên – đó là vấn đề nhân quyền. Thật khó gọi ra một nước nào trên thế giới ngày nay mà không hiện hữu vấn đề quyền con người ở mức này mức khác. Nhưng vì sao đó, phương Tây cứ cố tình bỏ qua những sự kiện thực tế quan trọng. Thí dụ, khi cáo buộc chống Bình Nhưỡng, người ta sử dụng chủ yếu là lời khai của những kẻ đào tẩu khỏi Bắc Triều Tiên từ ít nhất 10 năm trước. Làm sao có thể qui kết rằng ông Kim Jong-un phải chịu trách nhiệm về những sự kiện diễn ra khi ông này còn là cậu học sinh trung học? Thậm chí nếu quả thực khi đó có một số trường hợp người đào tẩu khỏi đất nước.
Cách đây chưa lâu, trên các phương tiện truyền thông phương Tây loan báo thông điệp chấn động rằng, nhân chứng chính của Ủy ban về Nhân quyền ở Bắc Triều Tiên, Shin Don Hyuk, nhân vật chính trong cuốn sách nhan đề "Cuộc chạy trốn từ trại 14" lại hóa ra là kẻ dối trá. Điều này thì ngay cả báo chí Mỹ cũng phải thừa nhận. Shin đã bẻ queo vô số sự kiện. Hóa ra ông ta từng ở khu trại khác, hoàn cảnh tại đó cũng khác. Ở phương Tây lập tức xuất hiện hàng loạt bài báo viết rằng điều đó làm xói mòn lòng tin đối với lời khai của những nhân vật đào thoát từ Bắc Triều Tiên. Tức là chính nền tảng của hoạt động điều tra trong lĩnh vực nhân quyền ở Bắc Triều Tiên và tương ứng là nghị quyết mà Đại hội đồng LHQ thông qua trên cơ sở những lời khai này, đều đáng đặt dưới sự nghi vấn về tính xác thực.
Vấn đề quyền con người mà phương Tây nêu ra rõ ràng nhằm gây sức ép với Bắc Triều Tiên khi những công cụ như hăm dọa vũ lực, bao vây kinh tế cùng những thứ khác tỏ ra vô dụng, — chuyên viên Aleksandr Zhebin đánh giá.
“Báo chí phương Tây loan tin rằng trong các trại cải huấn dành cho tù chính trị ở Bắc Triều Tiên giam giữ khoảng 200.000 người. Đó là chuyện từ 3-5 năm trước. Bây giờ phương Tây đưa ra con số khoảng 100.000-120.000 tù nhân. Điều này có nghĩa là tình hình đã được cải thiện. Thậm chí nếu chấp nhận những con số trên là sát thực, thì vẫn phải thấy rằng ở Bắc Triều Tiên đã giảm bớt gần như một nửa số tù chính trị. Ngoài ra, trong báo chí phương Tây xuất hiện dữ liệu cho biết rằng nhiều trại dành cho tù chính trị đã chuyển đổi công năng và biến thành khu dân cư. Mọi hàng rào được tháo dỡ, mọi người sống ở đó như trong một làng quê bình thường và làm việc trên đồng ruộng như mọi nông dân. Chắc là họ vẫn phải chấp hành một số hạn chế về di chuyển, nhưng đó đã là chế độ quản chế nhẹ nhàng hơn nhiều so với thứ từng tồn tại trước đây. Nói cách khác, ở Bắc Triều Tiên đã có tiến bộ trông thấy trong lĩnh vực này”.
Vê nguyên tắc, Bắc Triều Tiên không từ chối tham gia đối thoại theo nội dung nhân quyền. Cụ thể, hồi đầu những năm 2000 đã diễn ra cuộc đối thoại như vậy với EU, khá hiệu quả và người châu Âu lấy làm hài lòng. Thế nhưng cuộc đối thoại này vẫn không vừa ý Hoa Kỳ, cũng là điều mà các nhà khoa học và chính trị gia châu Âu công khai nêu lên từ bục diễn đàn trong những hội nghị khác nhau. Vì vậy, vấn đề quyền con người ở Bắc Triều Tiên đã bị thổi phồng một cách giả tạo, và đó là một trong những điển hình rõ nét nhất về tiêu chuẩn kép của phương Tây khi tiếp cận đề tài này.