Ở thủ đô Nga có không ít biểu tượng. Cả điện Kremlin cổ kính, cả tòa tháp cao uy nghi của Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva trên đồi Chim Sẻ, cả Nhà hát Bolshoi nổi tiếng. Có một biểu tượng là “hàng rào lông nhím” chống tăng. Khối tượng đài gồm ba nhóm dầm thép tán đinh cao đan vào nhau trong hình ngôi sao sáu cánh đã tái hiện hệ thống chướng ngại vật kiên cố chắn ngang trên con đường mà đoàn xe tăng phát-xit tiến đến Matxcơva vào mùa thu năm 1941. Có tổng cộng 37.000 dãy chướng ngại như vậy từng được thiết lập trên những con đường cửa ngõ thủ đô. Chính những “hàng rào lông nhím” ở ngoại vi Matxcơva này đã được thể hiện trên mặt đồng tiền xu đặc biệt, phát hành nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng. Còn có cả tượng đài “Hàng rào lông nhím” bằng bê tông, bản sao với kích thước lớn hơn được đặt trên xa lộ cao tốc Leningradsky Shosse. Bất kỳ ai khi lưu thông trên xa lộ đều có thể nhìn thấy tượng đài độc đáo này ven tuyến đường nối trung tâm Matxcơva và sân bay quốc tế Sheremetyevo.
Tượng đài “Nhím” được thiết lập tại địa điểm này hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên. Chính ở đây Hồng quân đã chặn đứng đà tiến hung hăng của đội quân phát-xít. Tháng Chạp năm 1941 quân đội xô-viết chuyển sang phản công. Trận đánh ở ngoại ô Matxcơva đã là chiến thắng lớn đầu tiên của Hồng quân trong cuộc chiến sau đó kéo dài thêm ba năm rưỡi nữa. Chính thắng lợi ở cửa ngõ Matxcơva đã đập tan huyền thoại về sức mạnh bất khả chiến bại của quân đội Hitler, vào thời gian ấy đã chiếm hầu như toàn bộ châu Âu.
Các bạn Việt Nam thân mến, đối với chúng ta tượng đài trên đường cao tốc Leningradsky càng có ý nghĩa hơn nữa theo nguyên cớ khác. Chính tại đây đã tổ chức tuyến phòng thủ với trận địa của các chiến sĩ thuộc Lữ đoàn mô tô xạ kích đặc biệt, viết tắt là OMSBON.
Phóng viên Aleksei Lensov, người được nhận phần thưởng danh hiệu “Chiến sĩ danh dự” do công lao nghiên cứu lịch sử Lữ đoàn OMSBON – cho biết như sau: “Lữ đoàn được bắt đầu hình thành ngay vào ngày thứ tư của cuộc chiến. Địa điểm diễn ra sự kiện lịch sử này là sân vận động “Dynamo” – vũ đài thể thao lớn nhất của Matxcơva thời bấy giờ. Tại đây có gắn tấm bảng lưu niệm để đánh dấu sự kiện thành lập Lữ đoàn quốc tế. Cho đến cách đây chưa lâu, trên sân vận động này vẫn thường xuyên tổ chức những trận đấu bóng đá, và trước khi “Dynamo” tạm đóng cửa để tu bổ, thì cơ sở thể thao này là nơi những người Việt làm việc ở Matxcơva ưa thích ghé thăm”.
Lữ đoàn gồm 20.000-25.000 chiến sĩ được thành lập chủ yếu dành cho các hoạt động phá hoại ở vùng địch chiếm đóng. Các tình báo viên lỗi lạc như Doia Kosmodemyanskaya, Nikolai Kuznetsov từng ở trong phiên chế của Lữ đoàn OMSBON. Với chiến công và sự dũng cảm trong những năm tháng chiến tranh, hơn 5.000 binh sĩ OMSBON đã được Nhà nước Liên Xô tặng huân huy chương. 23 người trong đội ngũ này được trao phần thưởng cao quí nhất của đất nước – ngôi Sao vàng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Trong đội ngũ OMSBON, bên cạnh các đơn vị riêng chuyên hoạt động ở hậu địch, còn có hai trung đoàn cơ động. Một trung đoàn được thành lập từ các vận động viên xuất sắc nhất của Liên Xô thời đó. Theo đề nghị của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, trung đoàn thứ hai được quyết định thành lập gồm những người nhập cư chính trị, chủ yếu là các thành viên cộng sản ở Matxcơva. Cũng vì vậy mà đội ngũ này có tên là trung đoàn quốc tế, với cơ số 2.000 chiến sĩ. Trong đó có gần 300 đảng viên Cộng sản Tây Ban Nha đã phải rời quê hương của họ sau thất bại của nền Cộng hòa, hơn 100 người từ Bulgaria. Trong trung đoàn còn có những người Đức, Séc, Ba Lan, Hungary, Italy, Hy Lạp, Pháp. Chính ủy của trung đoàn này là ông Ivan Vinarov đảng viên Cộng sản Bulgaria. Năm 1968, tại Bulgaria ấn hành cuốn hồi ký của ông Ivan Vinarov, và đến năm 1971 cuốn sách này được xuất bản ở Matxcơva. Ivan Vinarov viết rằng trong đội ngũ trung đoàn quốc tế của OMSBON có 6 người Việt Nam.
Tập hồi ký của cựu chiến binh chỉ huy OMSBON đã rọi thêm tia sáng vào những thông tin mà trước đó, vào năm 1967, ông Tôn Đức Thắng Phó Chủ tịch Việt Nam DCCH đã chia sẻ với đài phát thanh của chúng tôi. Khi ấy, ông Tôn Đức Thắng là người đầu tiên nhắc đến chi tiết là trong trận đánh ở ngoại ô Matxcơva đã có phần tham gia của nhóm những đồng hương người Việt của ông.
Ngay sau đó, tập thể cán bộ nhân viên Ban Việt ngữ của đài phát thanh Nga quyết định tìm hiểu và xác minh: Những người Việt ấy là ai, do đâu họ có mặt ở Matxcơva và số phận của họ đã sắp đặt ra sao?
Các bạn thân mến, trong buổi mạn đàm kế tiếp, chúng tôi sẽ thuật lại quá trình và những kết quả của cuộc tìm kiếm xác minh danh tính nhân vật lịch sử này.