Giáo sư Chung Jong-wook, Phó Chủ tịch Ủy ban Thống nhất dân tộc trực thuộc Tổng thống Hàn Quốc cho biết, một bộ phận của Ủy ban đang chuẩn bị công việc "nuốt chửng" Bắc Triều Tiên. Đáp lại, phát ngôn viên Ủy ban Thống nhất hòa bình Bắc Triều Tiên tuyên bố nếu Seoul không từ bỏ thái độ đối đầu với Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên có thể tiến theo con đường thống nhất do họ lựa chọn.
Tuyên bố của quan chức Hàn Quốc là một biểu hiện cực kỳ gây khó chịu, — ông Alexander Vorontsov, Chủ nhiệm Ban Triều Tiên và Mông Cổ Viện Nghiên cứu phương Đông Viện Hàn lâm khoa học Nga đã cho biết nhận định.
"Tuyên bố của ông Chung Jong-wook về việc Hàn Quốc sẵn sàng "nuốt chửng" Bắc Triều Tiên, có nghĩa thống nhất bán đảo theo điều kiện của Hàn Quốc dựa vào kịch bản Đức, dường như phản ánh tâm trạng thực tế ở Seoul. Tính toán được thực hiện từ nhận định CHDCND Triều Tiên không còn đứng vững và phải giúp chế độ ở Bình Nhưỡng sụp đổ. Để làm điều này, nhà chức trách Hàn Quốc cho rằng, cần tăng cường chính sách trừng phạt và áp lực toàn diện lên Bắc Triều Tiên. Các nhà tư tưởng của Seoul đã khẳng định với bản thân về sự sụp đổ không thể tránh khỏi của Bình Nhưỡng và cố gắng thuyết phục thế giới tin vào điều này. Họ nỗ lực lôi kéo các nước đồng minh tham gia vào kế hoạch cô lập Bắc Triều Tiên."
"Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên biết về sự chuẩn bị này và tìm cách phản ứng. Bình Nhưỡng coi nỗ lực của Seoul xây dựng một Triều Tiên thống nhất theo các giá trị phương Tây, ràng buộc bằng vũ lực, là đường lối dẫn thẳng tới chiến tranh. Rõ ràng, không một bên nào trên bán đảo Triều Tiên vốn tồn tại hơn 70 năm dưới các mô hình phát triển xã hội, kinh tế, chính trị khác nhau, chịu chấp nhận những hy sinh về ý thức hệ và giá trị tinh thần, vật chất. Hậu quả của một cuộc chiến mới trên bán đảo Triều Tiên sẽ tồi tệ hơn nhiều so với những ảnh hưởng từ Thế chiến thứ I. Người Bắc Triều Tiên vốn thực tế, họ hiểu chiến tranh sẽ là thảm họa đối với họ. Do đó, Bình Nhưỡng đưa ra kế hoạch thống nhất thông qua liên kết theo công thức "một quốc gia — hai hệ thống". Trong sự cùng tồn tại của hai hệ thống, sẽ dần mở rộng các mối hợp tác và diễn ra sự xích lại gần hơn."
Đài Sputnik: Nga có quan điểm như thế nào trong vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên?
"Chúng ta ủng hộ sự thống nhất và tin tưởng rằng điều này phải diễn ra một cách hòa bình. Nga không phản đối công thức mà miền Bắc và miền Nam Triều Tiên từng thông qua năm 1972: độc lập hòa bình dựa trên sự đoàn kết dân tộc không có bất kỳ can thiệp của các lực lượng từ bên ngoài. Nga đồng thời không đồng ý với sự thống nhất bán đảo bằng vũ lực. Vì vậy, ví dụ, vào mùa xuân năm ngoái, Nga đã nêu rõ lập trường của mình khi diễn ra các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn Quốc. Moskva tuyên bố nhận thấy yếu tố gia tăng căng thẳng trong các hoạt động diễn tập như vậy và kêu gọi các bên kiềm chế, giảm bớt mọi hoạt động quân sự."
Đài Sputnik: Trung Quốc có thể phản ứng ra sao trước nỗ lực của Hàn Quốc dùng vũ lực giải quyết vấn đề thống nhất đất nước? Liệu họ có vận dụng đòn cơ bắp để làm nguội sự hung hăng của Seoul?
"Ở cấp độ giả thuyết, các nhà nghiên cứu không loại trừ phương án như vậy. Nhưng nhìn chung, Trung Quốc cũng như Nga, quan tâm tới việc bảo đảm hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên."