Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ở Brussels vào tuần trước đã đề cập tới những biện pháp trừng phạt kinh tế Nga. Nhưng không quyết định cụ thể nào được thông qua. Hội nghị đã nhấn mạnh vào sự cần thiết thực hiện nghiêm chỉnh các thỏa thuận Minsk ký hồi tháng Hai.
Vào đầu tháng Ba năm nay, Hội đồng EU đã gia hạn thêm sáu tháng (đến ngày 15 tháng 9) lệnh trừng phạt các đối tượng cụ thể — gồm khoảng 150 cá nhân và 37 pháp nhân Nga.
Với các số liệu trong tay, lãnh đạo một số nước châu Âu như Ý, Hy Lạp, Síp, Tây Ban Nha, Áo, Hungary, Slovakia đã chứng minh việc cấm vận đối với LB Nga gây thiệt hại không nhỏ cho châu Âu. Chẳng hạn, Ý là đối tác của Nga đứng thứ hai sau Đức trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp. Lệnh trừng phạt đã làm giảm đáng kể khối lượng hợp tác song phương, — điều được Thủ tướng Matteo Renzi thú nhận trong chuyến thăm Moskva hồi tháng Ba.
Các nhà lãnh đạo Hy Lạp, Síp, Tây Ban Nha, Áo gần đây lần lượt lên tiếng chỉ trích biện pháp trừng phạt kinh tế Nga. "Nếu ai đó nghĩ rằng châu Âu và nền kinh tế châu Âu có đủ sức cạnh tranh dù thiếu sự hợp tác với Nga, tin vào khả năng duy trì an ninh năng lượng không cần nguồn năng lượng từ Nga, thì họ thực sự đang theo đuổi những bóng ma," — Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố.
Các đảng chính trị và đại diện doanh nhân ở Phần Lan và Hy Lạp đã đòi lãnh đạo Liên minh châu Âu đền bù cho nhà sản xuất những tổn thất tài chính từ lệnh cấm vận trả đũa của Nga nhằm vào thực phẩm từ châu Âu.
Ủy ban châu Âu theo dõi tình hình Ukraina sau các thỏa thuận ở Minsk đang bày tỏ sự lạc quan thận trọng. Người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu, bà Fredericka Mogerini cho rằng tình hình được cải thiện hơn nhiều so với trước, mặc dù chưa phải là hoàn hảo: "Không có trắng hay đen, mà là một tình hình thực tế tốt hơn so với trước các thỏa thuận Minsk, dù vẫn có một số vi phạm." Phát biểu của các đại diện khác trong Ủy ban châu Âu cũng cho thấy mong muốn loại bớt căng thẳng, giải quyết xung đột thông qua ngoại giao, khôi phục các mối hợp tác kinh tế và thương mại.
Lời kêu gọi từ một số người ủng hộ các biện pháp gay gắt trở nên lạc lõng. Đặc biệt những nỗ lực của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, người được lãnh đạo các nước vùng Baltic và Thủ tướng Anh David Cameron ủng hộ.
Nhưng bà Angela Merkel đã đặt dấu chấm hết cho cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh: "Vấn đề biện pháp trừng phạt sẽ được quyết định tại Liên minh châu Âu trong tháng Sáu."