Các chuyên gia Nga cho rằng, mặc dù sự hợp tác trong lĩnh vực này có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên, Nhật Bản không có khả năng sử dụng yếu tố này chống lại Trung Quốc.
Cựu đại sứ Nga tại Nhật Bản Alexander Panov, một nhà Đông phương học có uy tín, cho rằng, trong quan hệ với Ấn Độ cũng như với các nước khác trong khu vực, Nhật Bản trước hết quan tâm đến yếu tố Trung Quốc: "Không nên tìm kiếm những lý do phức tạp: điều quan trọng đối với Nhật Bản là thiết lập quan hệ tốt với các nước xung quanh Trung Quốc, để có một vành đai kiềm chế Trung Quốc. Mặc dù khó có thể tưởng tượng cơ chế này sẽ hoạt động như thế nào, ngoại trừ việc hạn chế tình cảm chống Nhật ở các quốc gia này và ngăn chặn việc thành lập liên minh chống Nhật Bản với sự tham gia của Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế Tokyo không thể hy vọng rằng, sự hợp tác quân sự và chính trị với Ấn Độ sẽ mang lại kết quả địa chính trị quan trọng hoặc chỉ riêng trong phạm vi khu vực này. Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Ấn Độ không có truyền thống lịch sử sâu sắc, hai bên phải xây dựng quan hệ song phương, mà điều đó đòi hỏi nỗ lực, tiền bạc và nguồn lực. Chừng nào chưa có quan hệ gần gũi, không nên quan tâm nhiều đến những gì xảy ra trong mối quan hệ Nhật —Ấn".
Chuyên gia Panov cho rằng, thời gian gần đây Nhật Bản quan tâm nhiều hơn tới ban lãnh đạo Ấn Độ bởi vì tân Thủ tướng của nước này, cũng như ông Shinzo Abe, theo đường lối dân tộc chủ nghĩa. Vì vậy, Tokyo cho rằng, ngoài yếu tố Trung Quốc còn có cơ sở chung về tư tưởng.
Theo ý kiến của ông Panov, Nhật Bản có thể cố gắng lôi cuốn Ấn Độ vào một cơ cấu chống Trung Quốc, nhưng, chắc rằng, nỗ lực như vậy sẽ không mang lại kết quả. Ấn Độ không phải là một nước có thể chỉ đơn giản định hướng lại để làm hỏng mối quan hệ với Trung Quốc. Dù quan hệ Ấn — Trung là khá phức tạp, có vấn đề lãnh thổ, nhưng, Ấn Độ và Trung Quốc là hai thành viên BRICS. Ngoài ra, Ấn Độ có thể sớm gia nhập SCO. Vì thế, theo ông Panov, Nhật Bản không thể sử dụng Ấn Độ trong bất kỳ trò chơi chống Trung Quốc.
Không phải mọi thứ trong sự hợp tác kỹ thuật quân sự Trung-Ấn đều đơn giản. Chuyên gia Vasily Kashin từ Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ cho biết:
"Nhật Bản đang cố gắng đóng vai trò nhà cung cấp các công nghệ quân sự. Nhưng, vấn đề là ở chỗ, các loại vũ khí của Nhật Bản rất đắt tiền, và bản thân Nhật Bản không phải là một cầu thủ độc lập, mà đó là một yếu tố quan trọng trên thị trường vũ khí. Nhật Bản sản xuất các loại vũ khí khác nhau, nhưng, nhiều loại vũ khí được sản xuất với sự tham gia của Mỹ: hoặc theo giấy phép của Mỹ, hoặc có sử dụng các thành phần của Mỹ. Như vậy, Mỹ có khả năng ngăn chặn xuất khẩu các loại vũ khí từ Nhật Bản. Vấn đề là ở chỗ, Hoa Kỳ cũng muốn tiếp cận thị trường Ấn Độ, và trong mỗi trường hợp cụ thể họ sẽ xem xét có nên xuất khẩu thiết bị quân sự của Nhật Bản đến Ấn Độ hay không. Còn có một yếu tố quan trọng: mặc dù ngành công nghiệp Nhật Bản chắc chắn có trình độ công nghệ rất cao, nhưng, trong những năm qua, các loại vũ khí được sản xuất với số lượng hạn chế, kết quả là giá thành của chúng cũng "trên trời". Do đó, Nhật Bản có thể cung cấp công nghệ, nhưng, không phải công nghệ quân sự mà công nghệ sử dụng kép. Và trong mọi trường hợp, Mỹ sẽ theo dõi chặt chẽ quá trình này".
Tuy nhiên, chuyên gia Kashin lưu ý rằng, Nhật Bản và Ấn Độ có thể hợp tác trong lĩnh vực điện tử quốc phòng, các hệ thống chống tàu ngầm và xây dựng tàu ngầm, động cơ diesel cho Hải quân và Quân đội. Có khả năng hai nước sẽ thiết lập sự hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ, vì Nhật Bản cũng đang phát triển chương trình không gian. Theo ông Kashin, trong những lĩnh vức khác, Nhật Bản không thuộc về số nước đi tiên phong. Ví dụ, Nhật Bản không thể cạnh tranh với Nga trong lĩnh vực chế tạo máy bay chiến đấu.