Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu ra trong tương quan xuất hiện thông tin rằng Nhật Bản dự định lại tuyên bố mạnh về chủ quyền trên đảo Takeshima trong cuốn "Sách Xanh" về ngoại giao, cần phát hành trong tháng Tư.
Phản ứng cứng rắn của Seoul không phải là cái gì đáng ngạc nhiên, — chuyên viên phân tích Aleksandr Vorontsov, Trưởng ban nghiên cứu Triều Tiên và Mông Cổ của Viện Phương Đông (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) nhận xét.
"Phản ứng gay gắt của Seoul có thể lý giải bởi thời gian gần đây xuất hiện những dấu hiệu cho thấy Tokyo sẵn sàng tăng cường vị thế của Nhật Bản trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Hàn Quốc. Cụ thể, trên các phương tiện truyền thông loan tin rằng chính phủ của ông Abe dự kiến nâng Ngày Takeshima đang là cấp địa phương và kỷ niệm chỉ ở tỉnh Oka lân cận với hòn đảo này, lên tầm mức toàn quốc. Rõ ràng, theo cách tương tự với "Ngày của lãnh thổ phương Bắc" gắn với quần đảo Nam Kuril của Nga. Tương ứng, Seoul cũng cho rằng cần đáp trả cứng rắn hơn trước đây. Có thể nhớ lại rằng Hàn Quốc đã tiến hành tập trận để bố phòng đảo Tokto chống lại cuộc xâm lược tiềm năng, chống quân đổ bộ. Điều này tự nó làm gia tăng mức độ căng thẳng trong quan hệ giữa Tokyo và Seoul. Có khả năng còn tái diễn tập trận mà thậm chí với qui mô mở rộng hơn. Cũng có thể xúc tiến mạnh các công việc với cộng đồng quốc tế để quảng bá tranh thủ dư luận quốc tế với góc nhìn của Hàn Quốc về vấn đề đảo Tokto".
Dù sao chăng nữa, việc đáp trả của Seoul với yêu sách của Nhật Bản về Tokto trong "Sách Xanh" sẽ chẳng giúp cải thiện quan hệ Nhật-Hàn, tuy nhiên phần lỗi ở đây thuộc về Nhật Bản.
Vì sao Nhật Bản giờ đây có động thái chọc giận Seoul, phá hỏng quan hệ với Hàn Quốc? Ông Aleksandr Panov nhà Đông phương học nổi tiếng, cựu Đại sứ Nga tại Nhật Bản hiện là chuyên viên hàng đầu của Viện Mỹ và Canada thử phân tích để lý giải chuyện này.
"Theo tôi thấy, có hai khía cạnh khá quan trọng. Phương diện thứ nhất gắn với thực tế là nói chung trong tư duy chiến lược ở chính sách đối ngoại của Nhật Bản không bộc lộ cái gì sáng tạo đột biến và không bao trùm toàn bộ các kịch bản quan hệ. Ai cũng rõ là Nhật Bản chịu sự ràng buộc bởi mối quan hệ với Hoa Kỳ. Ví dụ, cũng như Hoa Kỳ, hiện nay Nhật Bản từ chối liên kết vào dự án của Trung Quốc về tạo lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng, mặc dù nhiều nước kể cả các đồng minh của Mỹ đã quyết định tham gia. Thủ tướng Shinzo Abe còn công khai tuyên bố rằng động tác từ chối của Nhật Bản không gia nhập Ngân hàng là bằng chứng để Hoa Kỳ có thể coi Nhật Bản như một đối tác tin cậy. Nhưng mặt khác, do hệ quả của động thái này, Nhật Bản lại hóa ra bị cô lập".
Chuyên viên Panov nhận xét, Nhật Bản không thể nhận ra thực tế là khu vực này đang chuyển động trong trào lưu chung, và nền chính trị ở đây không chỉ thi hành để tuân theo lợi ích của Mỹ. Trong khi đó, như chuyên viên đánh giá, bản thân Mỹ lại chẳng thèm quan tâm gì đến sự suy giảm xấu đi trong quan hệ Nhật-Hàn, hai nước đều là những đồng minh quân sự-chính trị của Washington.
Bên cạnh đó, để bình thường hóa quan hệ với Seoul, còn có thêm một yếu tố hệ trọng nữa cản trở Tokyo, — ông Panov nói.
"Đó là yếu tố tinh thần tự tôn bị động chạm. Nhật Bản có tranh chấp lãnh thổ với hầu như tất cả các nước xung quanh. Tôi cho rằng tình huống này do người Mỹ cố ý tạo ra, để Nhật Bản có quan hệ xấu với các nước láng giềng, thì sẽ không thể một lần nữa trở thành thế lực ảnh hưởng trong khu vực. Như vậy dù muốn hay không Nhật Bản đã trở thành con tin của vấn đề chủ quyền. Và đề tài tranh chấp lãnh thổ cho đến nay vẫn có tác động phân hóa tầng lớp thượng lưu chính trị của Nhật Bản. Mặc dù trong cộng đồng Nhật Bản tồn tại sự hiểu biết rằng quân phiệt Nhật từng là kẻ xâm lược, đã thất bại trong cuộc chiến tranh mà kết quả là bị mất lãnh thổ, nhưng đồng thời một bộ phận đáng kể trong xã hội Nhật Bản, mà nhất là tầng lớp tinh hoa chính trị, vẫn không thể thừa nhận điều đó. Nhật Bản không thể vượt qua được bóng đen quá khứ của chính mình, như nước Đức đã làm khi thừa nhận tội lỗi và tiến theo con đường hòa giải. Bước đi đó đảm bảo cho Đức nhận được chỗ đứng xứng đáng ở châu Âu và thế giới, thậm chí còn trở thành thủ lĩnh của châu lục. Còn Nhật Bản không làm được như vậy. Mặc dù Tokyo hiểu rằng cần cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, mặc dù Bộ Ngoại giao Nhật Bản thi hành một số nỗ lực theo hướng này, chẳng hạn trong quan hệ hợp tác ba bên Nhật-Trung-Hàn, nhưng Tokyo cùng lúc có động thái làm suy yếu các nỗ lực tích cực. Tính chất nước đôi như vậy không tạo cho Nhật Bản cơ hội thuận lợi để thực thi đường lối có ảnh hưởng và uy tín trong khu vực, xứng tầm với thành tựu kinh tế, — chuyên viên Aleksandr Panov kết luận.