"Doanh nghiệp châu Á đang trở thành lực lượng thứ ba trong làng bóng đá châu Âu". "Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng thông qua thể thao". Các chuyên gia Nga nhận xét như vậy về việc câu lạc bộ bóng đá "Milan" rơi vào tay doanh nhân Hồng Kông Richard Lee, giá hợp đồng là 1,5 tỷ USD.
Trong gần 30 năm, chủ sở hữu CLB "Milan" là ông Silvio Berlusconi, cựu Thủ tướng Ý. Ngày 2 tháng 4, đã có tin giật gân về việc ông Berlusconi đã bán câu lạc bộ cho một nhóm các nhà đầu tư "có liên quan đến chính phủ Trung Quốc". Đã 20 năm nay, ông Richard Lee là nhà phân phối lớn nhất của Ferrari và Maserati tại Hồng Kông. Nếu nói về một "nhóm các nhà đầu tư", thì xét theo mọi việc đó là những người bạn của Richard Lee. Đó là những người mà ông đã mời đến dự bữa tiệc nhân dịp mua lại 75% cổ phần của CLB "Milan", khi đó ông nói đùa rằng, các bạn được mời tham gia hợp đồng tùy theo sở thích và cả túi tiền.
Theo ông Silvio Berlusconi, vấn đề "đã được giải quyết". Thời gian tới sẽ tổ chức cuộc gặp với phái đoàn từ Trung Quốc để hoàn chỉnh các chi tiết. Giao dịch này mang tính tượng trưng. Bình luận viên thể thao Pavel Zanozin cho biết: "Đang xuất hiện lực lượng giàu có thứ ba trong làng bóng đá châu Âu. Trước đây đã có hai lực lượng — Nga và Ả Rập. Bây giờ có thể nói về một lực lượng từ châu Á, chưa thể nói "từ Trung Quốc". Một số nhà đầu tư từ Indonesia và Thái Lan cũng đã tiếp cận thế giới bóng đá châu Âu. Bây giờ có nhà đầu tư Trung Quốc. Giới kinh doanh quan tâm đến bóng đá. Đối với họ, môn thể thao này không chỉ là một món đồ chơi, mà là đối tượng kinh doanh được đánh giá có khả năng mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư. "Milan" là một thương hiệu nổi tiếng khắp thế giới, là siêu câu lạc bộ. Trong 30 năm qua, CLB "Milan" đã gắn liền với tên tuổi của Silvio Berlusconi. Thay đổi chủ sở hữu có nghĩa là tổ chức cuộc cách mạng. Nếu những người hâm mộ câu lạc bộ "Milan" sẵn sàng chấp nhận cuộc cách mạng thì mọi việc sẽ rất tốt đẹp và trôi chảy".
Thỏa thuận này sẽ mang lại cho "Milan" vốn đầu tư là rất cần thiết hiện nay, còn Trung Quốc sẽ củng cố uy tín trên thị trường bóng đá. Đó là ý kiến của bình luận viên thể thao Alexander Lukyanov. Trung Quốc đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng trên thế giới trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả thể thao:
"Trung Quốc đang tích cực tham gia không chỉ kinh doanh bóng đá. Đã ghi nhận một xu hướng rõ ràng — người Trung Quốc cố gắng đầu tư vào tất cả các thị trường. "Milan" là một trong những thương hiệu lớn nhất trong làng bóng đá thế giới, vì vậy, việc đầu tư vào một thương hiệu nổi tiếng như vậy là một giao dịch khá thú vị và đầy hứa hẹn".
Quan sát viên thể thao Samvel Avakyan cho rằng, trên thị trường bóng đá châu Âu đã xuất hiện một doanh nhân Trung Quốc kiểu Roman Abramovich: "Các doanh nhân lớn, cả người Nga, người Trung Quốc hay người Thái Lan, đều theo mốt, muốn có trong tay câu lạc bộ bóng đá. Roman Abramovich là chủ sở hữu CLB "Chelsea". Các doanh nhân Mỹ đã mua mấy câu lạc bộ bóng đá của Anh. Chủ sở hữu câu lạc bộ "Monaco" là doanh nhân Nga Dmitry Rybolovlev. Song, nói về xu hướng khi đại diện của một quốc gia mua sắm các câu lạc bộ bóng đá thì không hoàn toàn chính xác. Có thể nói về mốt, về sự quan tâm đến thị trường bóng đá như đối tượng đầu tư".
Giao dịch này thu hút sự chú ý không chỉ vì câu lạc bộ Ý có thương hiệu nổi tiếng khắp thế giới. Trong năm nay, đây là lần thứ hai doanh nghiệp Trung Quốc cố gắng tiếp cận và đứng vững trên thị trường bóng đá châu Âu. Vào tháng Giêng, chủ sở hữu công ty «Dalian Wanga» Wang Jianlin đã mua lại 20% cổ phần của câu lạc bộ "Atletico" Madrid, đội vô địch Tây Ban Nha, với giá 45 triệu euro. Tỷ phú Trung Quốc sẽ chi thêm 15 triệu vào việc xây dựng trung tâm đào tạo bóng đá trẻ.