Nga tìm đến các đồng minh mạnh mẽ ở Trung Đông để tạo cơ sở cho trật tự thế giới mới. Đây là một trong những lý do mà Nga đã dỡ bỏ lệnh cấm bán S-300 cho Iran. Kết quả là, Nga sẽ trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của khu vực, trong bối cảnh hoạt động của phương Tây theo hướng này đang giảm đi. Giám đốc Trung tâm Moscow Carnegie Dmitri Trenin đã nhận xét như vậy trong bài viết trên tờ "The National Interest".
Theo ông, 5 năm trước đây đã có thể nói rằng, ngoài kinh tế, Nga không có lợi ích nào khác ở Trung Đông. Nhưng, đến nay, tình hình đã thay đổi đáng kể. Chuyên gia Trenin cho rằng, hiện nay, trong tình hình địa chính trị "hậu Ukraina", lợi nhuận kinh tế không phải là lợi ích duy nhất mà Matxcơva đang tìm kiếm trong mối quan hệ với Tehran. Ông Trenin viết, trong khi quan hệ giữa Mỹ và Liên minh châu Âu là khá căng thẳng, Nga bắt đầu quay lưng với phương Tây trong quá trình tìm kiếm một trật tự thế giới mới. Theo chuyên gia Trenin, chính bởi vậy các nhà lãnh đạo Nga muốn mở rộng và làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các nước lớn ở Trung Đông, ví dụ như Iran. Nhà chính trị học Nga tin chắc rằng, ngay sau khi Liên Hợp Quốc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống Iran, Nga sẽ tích cực ủng hộ ý tưởng để Iran được kết nạp vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Ngoài ra, tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc Nga dỡ bỏ lệnh cấm bán tổ hợp phòng không S-300 cho Iran cho thấy rằng, chính sách đối ngoại của Nga bắt đầu chuyển hướng sang Trung Đông để khai thác khu vực này.
Chuyên gia Nga nhận xét rằng, Syria đã trở thành một biểu tượng của việc Nga quay trở lại Trung Đông, Ai Cập đã đánh dấu niềm hy vọng của Matxcơva vào mối quan hệ ở cấp độ mới với các đồng minh cũ, và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một biểu tượng của quan hệ năng lượng mới với EU. Ông Trenin nhấn mạnh, chính Iran có thể mang lại độ sâu chiến lược cho chính sách hướng Trung Đông của Nga.