Một triệu chứng rất đặc trưng cho căn bệnh có thể gọi như "sự mệt mỏi của siêu cường." Một siêu cường đang chìm trong loạt vấn đề hệ thống và thực sự không biết làm cách nào cứu chữa, — bình luận viên chính trị Dmitry Kosyrev hãng đa truyền thông MIA Rossiya Segodnya cho biết.
Ngày 12 tháng Tư, tại thành phố Baltimore cảnh sát đã bắn chết đối tượng bị bắt giữ Freddy Gray, năm nay 25 tuổi, là một người Mỹ gốc Phi. Lập tức trong thành phố bùng nổ những vụ tấn công và đốt phá trên nhiều đường phố như từng xảy ra tại Ferguson hồi năm ngoái. Tại nhiều thành phố khác của Hoa Kỳ tổ chức các cuộc biểu tình phản đối sự kiện ở Baltimore.
Theo bình luận viên chính trị MIA Rossiya Segodnya, xét theo phản ứng của các phương tiện truyền thông Mỹ, giới tư duy và viết lách của Mỹ không biết nói gì về chủ đề này. Tờ New York Times cho rằng hành động đập phá ở Baltimore giống các sự kiện ở Hoa Kỳ những năm 1960. Cùng nguyên nhân — sự tàn bạo của cảnh sát đối với người da đen. Bình luận trên Washington Post cũng không có gì đặc sắc. Cáo buộc sự kiện xảy ra ở thành phố có dân số giảm mạnh, nơi tội phạm, nghèo đói và thất nghiệp là điển hình của loạt khu dân cư. Thành phố mà cảnh sát vốn có tiếng thô bạo với thường dân nên không khó hiểu vì sao bạo loạn lại nổ ra ở Baltimore.
Thực tế, — bình luận viên Dmitry Kosyrev viết, — Baltimore không phải một Ferguson. Trong giới chức và cảnh sát ở Baltimore có rất nhiều người Mỹ gốc Phi. Những năm gần đây, tỷ lệ tội phạm bớt đi, dân số lần đầu tiên đã ngừng suy giảm trong vòng 60 năm qua. Xung đột xảy ra là kết quả của sự bất bình đẳng kinh tế và sự hiện diện "vài thế hệ thanh thiếu niên bị mắc kẹt trong các ngôi trường chất lượng sa sút, các khu phố bị bỏ hoang."
Vậy phải làm gì? Quan sát viên chính trị của MIA Rossiya Segodnya nhận xét rằng, đáng chú ý nhất là bài phát biểu của bà Hillary Clinton — ứng cử viên tổng thống hàng đầu từ đảng Dân chủ. Bà đề xuất "cải cách căn bản hệ thống các hình phạt hình sự", bao gồm những chương trình mới đối phó vấn đề ma túy và tâm thần, áp dụng các hình phạt nhẹ hơn cho đối tượng phạm tội nhỏ. Mỗi cảnh sát phải mang máy ghi âm và ghi hình khi làm nhiệm vụ. Mặc dù đề xuất của bà Clinton không có gì quá bất ngờ, nhưng cho đến nay là ít nhất là phản ứng tương đối rõ ràng cho câu hỏi "có thể làm gì", — ông Dmitry Kosyrev viết.
Các đối thủ của đảng Dân chủ tất nhiên ra sức đổ lỗi cho Tổng thống Barack Obama. Các đảng viên Cộng hòa nói thẳng: người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong Nhà Trắng "…đã tạo ra, thờ ơ và làm trầm trọng thêm khối lượng lớn các vấn đề đối nội cũng như đối ngoại của Mỹ." Trong khi vào năm 2008, ông Obama từng thắng cử với một chương trình hành động rõ ràng: không chiến tranh, đổi mới căn bản các hệ thống chăm sóc sức khỏe, giáo dục, cơ sở hạ tầng trong nước. Có nghĩa Hoa Kỳ cần một xã hội mới.
Tuy nhiên, — nhà bình luận chính trị Dmitry Kosyrev tiếp tục viết, — Obama đã không với tới được ngành giáo dục sau khi bị vấp vào ngành chăm sóc sức khỏe. Với cơ sở hạ tầng cũng có quá nhiều vấn đề. Thực tế ngày nay nhiều hệ thống điện, cầu đường của Mỹ đã cũ. Đặc biệt có thể nhận thấy điều này nếu sánh với một số khu vực ở Đông Á và Đông Nam Á. Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng của Mỹ đòi hỏi không dưới một nghìn tỷ đô la. Trong khi nợ quốc gia của Mỹ dưới thời Tổng thống Obama tiếp tục tăng và giờ đây tương đương 74,1% GDP.
Vì vậy, nhà bình luận chính trị Dmitry Kosyrev MIA Rossiya Segodnya kết luận, hiện rõ "sự mệt mỏi" của siêu cường duy nhất trên hành tinh. Thực tế này tác động tiêu cực tới cả chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, trong đó có với Nga. Chính sách đối ngoại của nước Mỹ "mệt mỏi" là hỗn hợp những hành động bồng bột và phá hoại (như trường hợp Ukraine và châu Âu nói chung) cùng với tình trạng tê liệt ý chí và mong muốn làm điều có thể hiểu được.