Đó là nhận định khái quát của ông Dmitry Mezentsev Tổng Thư ký của tổ chức, khi nói với đại diện RIA Novosti về kết quả cuộc gặp lần thứ 10 của Ban Thư ký Hội đồng An ninh các nước thành viên SCO, hoạt động vừa tiến hành tại Matxcơva.
Xin nhắc, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải thành lập năm 2001 là cơ cấu liên kết quốc tế của các chính phủ đương nhiệm. Hiện nay, thành viên của tổ chức gồm 6 nước: Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Qui chế quan sát viên được cấp cho 5 quốc gia: Mông Cổ, Ấn Độ, Iran, Pakistan và Afghanistan. Cuộc gặp chẵn lần thứ 10 ở Matxcơva, nơi lần đầu tiên có sự tham gia của người đứng đầu Hội đồng an ninh các nước quan sát viên, được ông Dmitry Mezentsev đánh giá là độc đáo và ông lưu ý rằng từ đây sẽ mở ra thời kỳ hiệp lực mới với các nước quan sát viên của SCO.
Theo quan điểm của ông Tổng thư ký tổ chức, hôm nay đang có cơ hội lớn lao để Ấn Độ và Pakistan gia nhập SCO. Tháng 9 năm 2014, trước thềm hội nghị thượng đỉnh tại Dushanbe, Tổng thống Ấn Độ đã gửi đề nghị chuyển đổi qui chế, để đất nước ông trở thành thành viên đủ quyền của Tổ chức hợp tác Thượng Hải. Trước đó cũng đã nhận được yêu cầu tương tự từ Tổng thống Iran và Pakistan. Hội nghị thượng đỉnh Dushanbe cũng đã phê duyệt thủ tục kết nạp thành viên mới của SCO. Theo ý kiến của ông Dmitry Mezentsev, công việc theo hướng định hình khuôn khổ pháp lý của Tổ chức hợp tác Thượng Hải "dạng mở rộng" đã được hoàn tất và không tồn tại trở ngại pháp lý nào đối với việc kết nạp thành viên mới vào tổ chức. "Tôi trông đợi rằng quyết định về Ấn Độ và Pakistan sẽ được thông qua. Điều đó sẽ nhân lên tiềm năng của tổ chức, phân định đà phát triển của SCO trong khu vực và sự tham gia tích cực hơn nữa vào chương trình nghị sự khu vực cũng như quốc tế", — Tổng Thư ký Mezentsev nói thêm.
Về triển vọng gia nhập SCO của Iran và Afghanistan, thì hiện thời chưa nhận được đề đạt từ Tổng thống Afghanistan. Đối với Iran đang là thời gian xem xét. "Chuẩn mực pháp lý của tổ chức không dự trù khả năng tiếp nhận trao qui chế thành viên SCO cho các nước đang thuộc diện trừng phạt của LHQ. Nhưng hôm nay chúng tôi ghi nhận tiềm năng mạnh mẽ ở Iran. Chúng tôi hoan nghênh tiến bộ trong quá trình đàm phán của Iran với "bộ sáu" về hồ sơ hạt nhân của Tehran. Tuy nhiên, cần có cái nhìn thực tế: ở vấn đề phức tạp như vậy không thể đạt được tiến bộ nhanh chóng. Hy vọng rằng trong tương lai gần sẽ đạt kết quả nghiêm túc", — ông Mezentsev bổ sung.
Tổng Thư ký Mezentsev phản bác khả năng tạo lập lực lượng vũ trang tập thể, tương tự như trong khuôn khổ CSTO. Ông nhắc đến Hiến chương SCO, trong đó nói rằng ổn định và an ninh khu vực sẽ được đảm bảo trên cơ sở sử dụng những biện pháp chính trị và ngoại giao. Đồng thời ông Tổng Thư ký SCO lưu ý quy mô ngày càng gia tăng của tội phạm mạng, và hoạt động của các nước thành viên SCO đẩy mạnh hợp tác bảo đảm an ninh thông tin quốc tế. Xin nhắc, Hiệp định về an ninh thông tin quốc tế đã được SCO thông qua ngay từ năm 2009.