Bình luận viên chính trị của hãng thông tấn "Rossiya Segodnya" Valentin Zorin viết:
Trong khi Washington cố gắng áp đặt mô hình của họ cho những quốc gia nằm cách xa biên giới Hoa Kỳ, thì ở bản thân nước này có nguy cơ bùng phát bạo loạn quy mô lớn đến mức có thể làm rung chuyển nước Mỹ. Một dấu hiệu nguy hiểm là sự bùng nổ làn sóng phẫn nộ của người dân da đen tại thành phố Baltimore vào tháng 4. Chính quyền lo sợ làn sóng phản đối đã phải dùng các biện pháp khẩn cấp: đưa vào thành phố lực lượng vệ binh quốc gia, và cho phép họ sử dụng vũ lực. Và đây không phải là lần đầu tiên. Một vài tháng trước vụ việc ở Baltimore, những sự kiện tương tự đã xảy ra ở Ferguson. Cũng có cảnh đổ máu, và chính quyền cũng phải điều hàng ngàn lính tới trấn áp bạo động ở thành phố này.
Dưới thời Chính quyền Obama, trong hàng chục thành phố Mỹ, trong tất cả các tiểu bang của nước này đã xảy ra tình trạng bất ổn, có các cuộc biểu tình phản đối việc đối xử bất công với người da đen. Điều đó bác bỏ những tuyên bố chính thức của Nhà Trắng về việc, một người da đen giữ ghế tổ̀ng thống chứng tỏ rằng, nước Mỹ đã giải quyết thành công vấn đề phân biệt chủng tộc.
Những tuyên bố như vậy không phù hợp với thực tế cuộc sống. Và vị tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ Jimmy Carter cũng thừa nhận điều đó. Ông công khai bày tỏ sự lo ngại: "Ở đất nước chúng ta, nạn phân biệt chủng tộc hay sự ghét người da đen đang gia tăng với tốc độ đáng báo động". Nhà khoa học Mỹ nổi tiếng John Dovidio cũng thừa nhận điều đó. Trong cuốn sách xuất bản gần đây ở Mỹ, ông viết rằng, "Phân biệt chủng tộc ở Mỹ đang liên tục biến đổi và đột biến một cách nhanh chóng như một virus, có những biểu hiện hoàn toàn mới mẻ".
Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc dù công khai hay giấu diếm tác động mạnh mẽ đến đường lối chính trị và hoạt động kinh doanh của Mỹ. Theo báo cáo của tổ chức Mỹ có ảnh hưởng "National League of Cities" (Liên đoàn quốc gia của các thành phố), hiện nay số gia đình da đen sống dưới chuẩn nghèo, gấp ba lần số gia đình người Mỹ da trắng. Báo cáo viết, 70% người Mỹ da đen bị phân biệt đối xử khi tìm việc làm. Người da đen bị đuổi việc đầu tiên và là người cuối cùng được thuê".
Một vấn đề khác gây cơn đau đầu cho quan chức Washington là "Chicano" — những người Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha. Số người Chicano đang tăng lên nhanh chóng. Ví dụ, hơn 1/3 cư dân California là những người nói tiếng Tây Ban Nha. Tình hình ở các tiểu bang gần biên giới với Mexico cũng tương tự như vậy. Dù không có số liệu chính xác, nhưng, ở đó có hàng triệu người "Chicano". Và những "công dân mới của Mỹ " ngày càng tích cực phản đối sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử. Bắt đầu các cuộc biểu tình quần chúng. Xét theo mọi việc, Washington chưa biết phải làm thế nào để giải quyết vấn đề đang trở thành gay gắt hơn với các cuộc biểu tình chống lại sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử. Nhưng, cuối cùng, chính quyền vẫn phải bắt tay giải quyết vấn đề nan giải này ở chính nước mình.