Chuyên gia Yacov Berger từ Viện nghiên cứu Viễn Đông Viện Hàn lâm khoa học Nga bình luận về báo cáo của các nhà lãnh đạo hai cơ chế tài chính quốc tế mà Mỹ vẫn còn quyền quyết định lớn.
Các nước BRICS — Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi — vẫn là một trong những đầu máy quan trọng nhất đảm bảo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ông Zhu Min, Phó Giám đốc điều hành của Quỹ tiền tệ quốc tế, đã tuyên bố như vậy vào ngày thứ Hai tại Hội nghị quốc tế ở Washington. Để khẳng định điều đó, ông Zhu Min nhắc lại thông tin rằng, trong 20 năm qua, tỷ trọng của 5 nước thành viên BRICS trong sự tăng trưởng kinh tế thế giới đã tăng từ 10 đến 30%.
Ông Zhu Min đã nói lên những khuyến nghị cụ thể cho các quốc gia BRICS. Trên thực tế, các khuyến nghị đó phù hợp gần như hoàn toàn với chính sách kinh tế của các nước này. Khuyến nghị cho Trung Quốc — nên cải thiện sự cân bằng giữa đầu tư và dịch vụ. Ấn Độ nên khuyến khích phát triển thương mại và điều tiết cân đối cung — cầu hiệu quả, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư bằng cách thực hiện những cải cách trên thị trường đất đai, lao động và hàng hóa. Nga nên tăng cường cải cách, đặc biệt nên nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và cải thiện hệ thống quản lý của nhà nước.
Cách đánh giá khách quan về vai trò của BRICS và những khuyến nghị khả quan cho các nước thành viên phản ánh ý định của IMF thiết lập quan hệ làm việc với khối này. Mối quan hệ này sẽ mang lại hiệu quả cao hơn sau khi Ngân hàng và Quỹ dự trữ của BRICS đi vào hoạt động. Trong khi đó, đồng tiền quốc gia của một trong những thành viên BRICS — Trung Quốc — đồng nhân dân tệ có thể sớm vào giỏ dự trữ ngoại tệ của IMF cùng với đồng USD, đồng Euro, bảng Anh và đồng yen Nhật Bản.
Ngân hàng thế giới buộc phải phản ứng với những thay đổi sắp tới trong hệ thống điều tiết dòng chảy tài chính thế giới gắn liền với sự ra đời của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Hôm thứ ba, ở Incheon, Hàn Quốc, người đứng đầu Ngân hàng Thế giớib Jim Yong Kim đã khẳng định rằng, WB có ý định làm việc chặt chẽ với AIIB.
Trong danh sách các thành viên sáng lập AIIB có hơn 50 quốc gia. Trong đó có Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, hầu hết các nước ASEAN và các nước thuộc Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh (GCC).