Các chuyên gia Nga đã cho "Sputnik" biết về điều này, khi bình luận về dự định của Costa Rica cáo buộc Nicaragua dùng các phương pháp bất hợp pháp để xây dựng kênh đào, tại hội nghị thượng đỉnh EU- CELAC ở Brussels, từ ngày 11-12 tháng Sáu.
Ngày 2 tháng Sáu, CostaricaOn đã đưa tin về việc Costa Rica quốc tế hóa cuộc xung đột với Nicaragua và dẫn các chi tiết cụ thể khác. Tổng thống Costa Rica Luis Guillermo Solis không những đã đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh, mà còn nhận được sự ủng hộ từ phía các nhà lãnh đạo Pháp và Đức trong quá trình tiếp xúc cá nhân với họ. Và những cáo buộc trên được xây dựng trên thực tế rằng việc xây dựng kênh đào sẽ khiến cho môi trường bị xáo trộn.
Theo giáo sư Mikhail Beliat của Đại học Nhân văn Quốc gia Nga, Costa Rica đang ở dưới "ô dù" của Hoa Kỳ trong cuộc chơi chống Trung Quốc: "Ai sở hữu kênh, người đó sẽ gây được ảnh hưởng trong khu vực. Vì vậy, những gì hiện nay đang xảy ra xung quanh kênh đào, không chỉ vì lý do kinh tế, và cũng không chỉ vì môi trường sinh thái, mà còn liên quan đến vấn đề chính trị. Nếu kênh được Pháp xây dựng chẳng hạn, vấn đề cũng sẽ tương tự như vậy. Đơn giản là người Pháp sẽ không bao giờ dám chọc giận Mỹ để xây dựng một con kênh thay thế cho kênh đào Panama. Tất nhiên, scandal này nhằm chống Trung Quốc. Đây là dự án của Trung Quốc, do người Trung Quốc xây dựng, bằng tiền của Trung Quốc — tất nhiên, Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng. Làm gì có ai muốn chịu đựng ảnh hưởng xảy ra ngay bên cạnh từ một quốc gia mà về tăng trưởng kinh tế đã vượt Mỹ và sẽ tiến lên dẫn đầu thế giới? Mong muốn của Mỹ ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc là điều dễ hiểu."
Trung Quốc đang tích cực phát triển quan hệ với các nước Mỹ Latinh. Chủ tịch Tập Cận Bình đã hai lần đến thăm châu lục này. Gần đây đã diễn ra chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Một số hợp đồng lớn đã được ký kết. Người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu và thông tin của Viện Mỹ Latinh Alexander Kharlamenco bình luận về xung đột xung quanh kênh đào Nicaragua:
"Tất nhiên, việc Costa Rica tích cực cáo buộc Nicaragua có nguyên nhân xuất phát từ Mỹ, vốn không muốn để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Dưới đây là một ví dụ. Năm ngoái, trong chuyến thăm châu lục này, ông Tập Cận Bình đã ký tại Mexico thỏa thuận xây dựng đường sắt tốc độ cao. Một thời gian sau, dự án bị đổ vỡ dưới ảnh hưởng tích cực của "nước láng giềng tuyệt vời phía bắc Mexico". Tình hình hiện nay với kênh đào Nicaragua cũng tương tự như vậy. Những khiếu kiện của Costa Rica có vẻ không thuyết phục lắm. Nicaragua đã làm tất cả mọi điều và tính đến các yêu sách đó. Họ không xây dựng kênh trên con sông biên giới San Juan, vì vậy không quyền lợi nào của Costa Rica bị ảnh hưởng. Họ đồng ý chi những khoản tiền bổ sung để mở đường trên đất liền, phía Bắc con sông này. Vì vậy, phần lớn tuyên bố khiếu kiện của Costa Rica là bịa đặt. Nguyên nhân của cuộc xung đột đã mở rộng và vượt ra ngoài phạm vi khu vực Trung Mỹ."
Các nỗ lực gia tăng mức độ căng thẳng xung quanh dự án kênh đào Nicaragua được thực hiện trên bối cảnh công ty Quản lý tài nguyên môi trường (Environmental Resources Management) của Anh công bố dự thảo báo cáo. Đây là đối tác của công ty HK Nicaragua Canal Development Investment, tham gia xây dựng con kênh này. Tài liệu này nói rằng con kênh sẽ mang lại những lợi ích tiềm năng cho dân cư và có thể tác động tích cực đến tình hình môi trường. Những chi tiết khác không được báo cáo. Tuy nhiên, được biết rằng trong tháng này báo cáo sẽ được thảo luận ở cấp độ các nhà đầu tư tiềm năng và những người tham gia dự án từ phía Trung Quốc. Và trong tháng tới Chính phủ Nicaragua sẽ thảo luận về báo cáo này. Các nỗ lực của Costa Rica nhằm ngăn chặn việc xây dựng con kênh, có lẽ không phải tình cờ mà trùng hợp với thời điểm xuất hiện bản báo cáo, có thể tăng cường tiến độ công việc theo dự án này.