Đó là nhận xét của các chuyên viên Nga về chuyến thăm sắp tới của thủ lĩnh đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi đến Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn hôm 08 tháng Sáu trên kênh truyền hình Trung Quốc "Phoenix", đại diện chính thức của "Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ" (U Nyan Win) đã khẳng định rằng chuyến đi sẽ tiến hành trong những ngày 10-14 tháng Sáu, theo lời mời của đảng đảng Cộng sản Trung Quốc. Bà Aung San Suu Kyi sẽ hội kiến với Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Đây là chuyến thăm chính trị khác thường vào thời điểm khác thường, — báo Đài Loan «Wantchina Times» viết ngày 08 tháng Sáu, dẫn nguồn từ trữ liệu của cơ quan ngôn luận trung ương Trung Quốc "Nhân dân nhật báo". Bắc Kinh quả thực đã chìa bàn tay cho bà Aung San Suu Kyi sau bao lâu cố phớt lờ không thèm để ý tới nữ chính trị gia này. Phớt lờ cả sau khi bà Aung San Suu Kyi được trao giải thưởng Nobel Hòa bình. Phớt lờ cả sau khi bà được giải phóng khỏi cảnh quản thúc tại gia trong năm 2010. Và phớt lờ cả sau khi bà trở thành nghị sĩ Quốc hội còn đảng của bà "Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ" được hợp thức hóa vào tháng Chạp năm 2011 sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đến Yangon.
Tháng 11 năm nay lần đầu tiên trong 25 năm qua, ở Myanmar cần diễn ra cuộc bầu cử tự do bầu Quốc hội. Bà Aung San Suu Kyi là nhân vật được ưa chuộng hiển nhiên của cuộc bầu cử, mà như thế có nghĩa bà cũng là ứng viên tiềm năng cho chức vụ Tổng thống. Như đang thấy, đây là một trong những động cơ trước hết của việc thiết lập tiếp xúc với nữ chính khách Myanma. Quan điểm như vậy được sự tán đồng của chuyên viên Viện Nghiên cứu phương Đông (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) Tatyana Shaumyan.
"Có lẽ lý do chính là như vậy. Người Trung Quốc luôn có tính thực dụng — họ không muốn tự gây thêm cho mình những rắc rối bổ sung nếu tiếp tục phớt lờ bà Aung San Suu Kyi. Đang có sự thay đổi nhất định trong chính trị. Như đang thấy, có lẽ đây là thực tế thừa nhận rằng bà Aung San Suu Kyi là chính khách lớn và có uy tín cao. Đây là tín hiệu quan trọng, bởi đất nước Myanmar nằm trong phạm trù lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Quan hệ với đất nước này không giản đơn, tất nhiên, có câu hỏi phải khắc phục những cản trở như thế nào hoặc ít nhất là tìm kiếm con đường giải quyết. Thông qua phe đối lập, hoặc không thông qua đối lập, bằng bất kỳ phương tiện nào. Bước đi này của Bắc Kinh sẽ gây ấn tượng thuận lợi với quan điểm của cộng đồng xã hội Myanmar".
Cuộc gặp của bà Aung San Suu Kyi với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà Trắng hôm 20 tháng Chín 2012 đã gây phản ứng gay gắt ở Bắc Kinh. Đó không chỉ thuần túy là cuộc gặp xã giao. Sự kiện này là lời thách thức của Washington ném ra cho Bắc Kinh, vốn đang có thế lực hầu như độc quyền tại Myanmar vào thời điểm đó. Hoa Kỳ tuyên bố dỡ bỏ phong tỏa cùng các biện pháp trừng phạt ngoại giao và kinh tế đối với Myanmar. Tiếp theo sau Hoa Kỳ là EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia cũng tỏ thái độ tương tự. Bây giờ vốn tư bản từ các nước này đang tự tin cạnh tranh với Trung Quốc. Đồng thời, hiện diện quá mức của Trung Quốc đang ngày càng là yếu tố gây bực tức nhiều hơn trong giới chính trị và xã hội ở nước sở tại.
Trong bối cảnh này, Bắc Kinh thấy cần chỗ dựa bổ sung ở Myanmar. Cả để đảm bảo an toàn cho các khoản đầu tư Trung Quốc, cả để tác động đến sự ổn định tại đó. Đặc biệt là sau những vụ hỗn loạn và sự cố nghiêm trọng ở biên giới Trung-Myanmar cách đây chưa xa.