Sự vắng mặt của nhà lãnh đạo Nga không ngăn cản việc ông trở thành nhân vật chính của cuộc họp: lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ, nguyên thủ các cường quốc phương Tây đã đặc biệt tập trung vào kế hoạch đối đầu với Moskva. Chủ đề Nga đã đẩy lùi chương trình nghị sự được thống nhất từ trước bao gồm biến đổi khí hậu, khu vực thương mại tự do giữa EU và Hoa Kỳ, tình hình xung quanh Libya, chương trình hạt nhân Iran và "Nhà nước Hồi giáo". Vắng bóng Nga, G-7 đang chuyển sang vai trò mới: từ hiệp hội giải quyết các vấn đề kinh tế và phát triển toàn cầu thành một cơ chế với nhiệm vụ tự đặt ra là bảo vệ hệ tư tưởng và những giá trị của thế giới phương Tây.
Tại hội nghị lần này, thái độ với Nga của lãnh đạo các nước G-7 đã đi vào giai đoạn tích cực đối đầu. Tổng thống Mỹ tạo không khí chung bằng sự kêu gọi các đối tác phương Tây "đẩy lùi" những hành động của Nga ở Ukraine. Điều được công bố khi ông Obama kết thúc cuộc gặp Thủ tướng Đức là sẽ tiếp tục các biện pháp trừng phạt gây áp lực với Moskva.
Các chuyên gia quốc tế đã lưu ý rằng biện pháp trừng phạt của phương Tây không tác động tiêu cực đến Nga nhiều hơn so với chính sự ảnh hưởng vào những nước này. Trong khi Tổng thống Mỹ diễn thuyết tại Hội nghị thượng đỉnh G-7 về việc ông Putin phá hoại nền kinh tế Nga, cô lập nước Nga, ở Moskva đã khai mạc Diễn đàn Nghị viện các nước BRICS lần thứ nhất — biểu tượng mới của thế giới đa cực và là một trong những động lực chính của sự phát triển toàn cầu. Các nước BRICS là 26% diện tích lãnh thổ và 46% dân số thế giới. Chỉ có 4 trong số 8 nền kinh tế hàng đầu của thế giới hiện diện tại G-7 với các vị trí thứ hai, thứ tư, thứ năm và thứ tám. Đứng thứ nhất, thứ ba, thứ sáu và thứ bảy về phát triển kinh tế là các nước BRICS. Theo IMF, họ nắm 30% GDP toàn cầu, tổng thu nhập GDP năm 2014 đạt 32,5 nghìn tỷ đô la. Chỉ số này thua các nước G7 chỉ khoảng 2,2 nghìn tỷ. Theo các chuyên gia, khoảng cách này sẽ sớm được khắc phục.
Các lãnh đạo G-7 đã không thành công trong việc cô lập Nga trên vũ đài quốc tế. Nền kinh tế đất nước không bị sụp đổ vì những biện pháp trừng phạt. Ví dụ, Ngân hàng Thế giới đã cải thiện dự báo của Nga trong năm nay và năm sau. Nga đã vượt cao trào lạm phát, Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga dự đoán mức giá tiêu dùng sẽ giảm. "Đồng rúp bắt đầu được củng cố, thậm chí tình hình cho phép chúng tôi khôi phục dự trữ vàng ngoại tệ. Chúng tôi đang thu mua ngoại hối trên thị trường, từ tháng 5 đến tháng 6 chúng tôi đã mua hơn 3 tỷ đô la," — Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Nabiullina cho biết tại phiên họp Duma quốc gia. Bà nhấn mạnh rằng, chương trình phục hồi dự trữ vàng ngoại tệ do cơ quan quản lý công bố sẽ được thực hiện trong thời gian dài.
Bình luận việc Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố về "sự thành công của đường lối cô lập Nga", blogger Maria Zakharova nhận xét thẳng thắn: đã chẳng hề có bất kỳ thành tựu nào. Blogger viết, lần đầu tiên tổng thống một nước lớn vốn coi mình là người văn minh lại tự hào đang nỗ lực làm điều xấu xa đối với dân tộc khác dù không có chiến tranh với họ. Theo Maria Zakharova, không loại trừ nguyên nhân do Tổng thống Mỹ chẳng có gì để tự hào về những điều tốt lành ông đã làm. Blogger đã nhắc đến sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ hàng chục quốc gia trên thế giới: ném bom Nam Tư, cái chết của hàng trăm ngàn thường dân Iraq, chiến dịch chống Syria dẫn đến sự xuất hiện của ISIS, sự tan vỡ của nhà nước Libya và nhiều điều khác, chưa kể tới cuộc chiến tranh ở Việt Nam.