Đó là ý kiến của cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick, người từng làm đại diện thương mại của Mỹ, được nói lên trên tờ Financial Times (Anh).
Chắc là, lời chỉ trích Mỹ của Robert Zoellick không phải là một biểu hiện của vị thế thân Trung Quốc. Ông ta đã từng tham gia cuộc đàm phán khá cứng rắn với Bắc Kinh về thương mại Mỹ-Trung, và thái độ của ông không thể được gọi là "cảm thông" với Chính phủ Trung Quốc. Theo quan điểm của Robert Zoellick, sáng kiến tạo ra AIIB không phải là một bằng chứng về kế hoạch bí mật của Trung Quốc, mà là một biểu hiện của xu hướng khách quan trong quá trình phát triển thế giới. Ví dụ, xu hướng nâng cao vai trò của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong nền kinh tế và nền chính trị toàn cầu. Trên thực tế, các nước phương Tây đã xuất phát từ quan điểm này khi đồng ý tham gia vào dự án của Trung Quốc.
Xin nhắc lại rằng, Vương quốc Anh là quốc gia phương Tây đầu tiên thông qua quyết định tham gia AIIB, và Mỹ ngay lập tức công kích vào họ. Nhà Trắng đã cáo buộc London thường xuyên "nhượng bộ" để phục vụ lợi ích của Trung Quốc, và rằng, quyết định gia nhập AIIB đã được thông qua mà "hầu như không có tham khảo ý kiến" với Hoa Kỳ. Có nghĩa là, ngay từ đầu Mỹ không cho phép các đồng minh thực thi chính sách độc lập, kể cả trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong bài báo đăng tải trên tờ Financial Times, ông Robert Zoellick rất tế nhị né tránh vấn đề này, ông không tập trung chú ý đến những nguyên nhân của áp lực từ phía Mỹ lên các đồng minh, mà chỉ nhấn mạnh rằng, việc thành lập Ngân hàng AIIB phục vụ lợi ích của Hoa Kỳ. Những lập luận chính mà Hoa Kỳ đã đưa ra là: AIIB thách thức IMF và Ngân hàng Thế giới. Nhưng, trên thực tế, lập luận này không phải là cách tiếp cận đúng cho vấn đề. Giáo sư Dmitry Streltsov từ Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO) bình luận:
"Tất nhiên, Ngân hàng AIIB là một cơ chế khác về chất lượng so với Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Vấn đề là ở chỗ: IMF và Ngân hàng Thế giới đã được tạo ra để đảm bảo sự ổn định kinh tế, để hỗ trợ cho các ngân sách. Đây không phải là các ngân hàng đầu tư trực tiếp, chúng phục vụ mục đích khác. Sẽ không có sự cạnh tranh với ngân hàng mới, tuy nhiên, điều đáng chú ý là ngân hàng mới của Trung Quốc phản ánh xu hướng tài chính toàn cầu, đó là cuộc khủng hoảng của hệ thống Bretton Woods".
Mỹ phải đối mặt với sự lựa chọn — hoặc là tham gia vào tiến trình định ra quy tắc mới trong thị trường tài chính toàn cầu, hoặc là kiên quyết phản đối các quy tắc mới. Trong khi Washington chọn lựa phương án đối đầu, trên thực tế họ rơi vào thiểu số. Trong bài báo của mình, ông Robert Zoellick lưu ý đến điều đó.
Cựu lãnh đạo Ngân hàng Thế giới nhận định rằng, Hoa Kỳ cần rất thận trọng khi thể hiện thái độ phản đối các sáng kiến nổi tiếng có xu thế phát triển thành công. Ngoài ra, tác giả lưu ý đến thực tế rằng, Mỹ đang mất dần vai trò chủ đạo trong quá trình tạo ra hệ thống mới của quan hệ quốc tế. Các chuyên gia khác nhận định rằng, lý do của điều đó là Hoa Kỳ muốn để xung quanh họ không có bất kỳ đối thủ cạnh tranh, họ muốn làm kinh doanh chỉ với những nước ngoan ngoãn tuân theo các quy tắc của Mỹ.