Chúng tôi đã kể rằng sau khi trường Quốc tế cộng sản đóng cửa vào năm 1938, các liên hệ giữa Moskva và các tổ chức cộng sản Việt Nam bị gián đoạn. Vì vậy, tháng Tám năm 1945, các nhà lãnh đạo Liên Xô thậm chí không biết rằng lãnh tụ Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, người từng sống 6 năm ở Moskva và từng làm việc trong Quốc tế cộng sản. Lý do chính thức được đưa ra để nối lại quan hệ Xô Việt là tổ chức hồi hương cho các công dân Liên Xô phục vụ trong quân đoàn lê dương tại Việt Nam và bị Nhật Bản bắt làm tù binh.
Phái đoàn đầu tiên của Liên Xô đến Hà Nội tháng 12 năm 1945 và đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 11 năm 1946, đoàn thứ hai do Đại tá Dubrovin dẫn đầu đã vào Sài Gòn và trú lại khách sạn "Continental". Cao ủy Pháp tại Đông Dương, Đô đốc d'Arzhanle đã nhanh chóng gửi điện về Paris báo cáo vấn đề này.
Thái độ của chính quyền Pháp đối với đoàn khá thân thiện. Thế chiến II vừa kết thúc, mà Liên Xô và Pháp là đồng minh. Đô đốc d'Arzhanle tiếp các quan chức của Liên Xô khi họ vừa đến Sài Gòn và trước khi về nước. Ban đầu đoàn được Cao ủy cấp một chiếc xe hơi để đi lại. Tuy nhiên, sau ngày 19 tháng 12, họ ngừng việc cấp xe, vì cho rằng Liên Xô đứng về bên chính phủ Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Ngay khi đến nơi, đoàn đã ra tuyên bố trên các báo địa phương rằng đại tá Liên Xô tiếp nhận các cựu công dân Liên Xô và giúp họ hồi hương. Khoảng mười lăm người lính nước ngoài đã lên tiếng nhờ giúp đỡ. Phái đoàn Liên Xô thỏa thuận với phía Pháp là bất chấp hợp đồng đã ký kết với quân đoàn lê dương, những người lính này có thể giải ngũ và về nước qua đường Pháp.
Khi lập kế hoạch cho phái đoàn của Đại tá Dubrovin, chắc là Moskva cũng biết là có rất ít cựu công dân Liên Xô ở Việt Nam. Rõ ràng là phái đoàn được giao nhiệm vụ quan trọng khác. Tình báo Pháp nhanh chóng phát hiện ra điều đó và báo về Paris rằng một trong các thành viên của phái đoàn đã tham dự cuộc họp bí mật của chi bộ Nam Kỳ và Campuchia của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Chợ Lớn. Phía Pháp biết rằng mục đích thực sự của đoàn là nghiên cứu tâm trạng dân chúng Đông Dương và trong tương lai sẽ lập đại diện ngoại giao của Liên Xô ở đây.
Người Việt Nam đối với phái đoàn rất chân tình. Theo tình báo Pháp, người dân địa phương khi gặp các đại diện Liên Xô đã bắt tay họ rất thân thiện. Đại tá Dubrovin cho rằng nước Pháp sẽ không có khả năng đối phó với nhân dân Việt Nam, những người mong đất nước độc lập.
Phái đoàn Liên Xô hoàn thành nhiệm vụ tại Sài Gòn hồi tháng 1 năm 1947. Một vài tháng sau đó đã bắt đầu các mối liên hệ Xô-Việt bí mật, cho đến khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và Việt Nam tháng Giêng năm 1950.
Sứ mệnh mật của đại tá Liên Xô tại Sài Gòn
19:58 13.06.2015 (Đã cập nhật: 04:22 14.06.2015)
Đăng ký
Chúng tôi tiếp tục chuyên mục "Nhìn lại ngày hôm qua" nói về lịch sử quan hệ hợp tác Nga-Việt.