12 nữ công dân Hàn Quốc yêu cầu Nhật Bản phải có "lời xin lỗi chân thành" và bồi thường cho những năm tháng họ bị buộc phải phục vụ trong các nhà thổ của quân đội Nhật hồi Chiến tranh thế giới II. Những "phụ nữ mua vui" ở Trung Quốc cũng đang đòi sự ăn năn và bồi thường từ phía Tokyo. Do vậy, nhiều người ở Trung Quốc đã ủng hộ mạnh mẽ tối hậu thư của 12 người phụ nữ Hàn Quốc đòi đáp ứng yêu cầu của họ trước ngày 1tháng 7.
Trước đây, tất cả các yêu cầu tương tự đã vấp phải bức tường vô cảm của Tokyo. Tại thời điểm này, các phụ nữ Hàn Quốc quyết định nộp đơn kiện lên Tòa án California. Họ hy vọng về tính khách quan của tòa án Mỹ và sự hỗ trợ vận động hành lang mạnh của cộng đồng Hàn Quốc ở Mỹ. Đặc biệt, một vài năm trước đây, Quốc hội Mỹ đã kêu gọi Nhật Bản hãy tiếp cận vấn đề này một cách chân thành và nhân đạo.
Các chuyên gia Nga có ý kiến khác nhau về các tác động có thể có trong thái độ lịch sử của Nhật Bản đối với việc tiến hành hội nghị thượng đỉnh. Nhà nghiên cứu Triều Tiên của Viện Nghiên cứu phương Đông Alexander Vorontsov không chắc rằng vấn đề "nô lệ tình dục" có thể gây trở ngại cho hội nghị thượng đỉnh:
“Điều quan trọng là phải tách biệt hai xu hướng rất quan trọng và nghiêm túc. Một mặt là vai trò của Nhật Bản trong Thế chiến II. Đây là điều nhức nhối và nhạy cảm với Trung Quốc, hai miền Triều Tiên và các nước châu Á khác. Mặt khác là sự hợp tác kinh tế hiện nay. Lãnh đạo ba nước đều nhận thức được rằng có những vấn đề làm cho các mối quan hệ bị phức tạp hóa. Nhưng cũng có những lợi ích kinh tế mà vì mục tiêu đó ba nước đang tìm kiếm con đường xích lại gần nhau và hội nhập kinh tế. Nhiều khả năng, hội nghị thượng đỉnh ba bên sẽ được tổ chức.”
Gần đây, Nhật Bản và Hàn Quốc đã kỷ niệm 50 năm khôi phục quan hệ ngoại giao. Trong khi đó, ngay cả nhân dịp quan trọng như vậy, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng không gặp nhau. Ông Valery Kistanov ở Viện Viễn Đông nhận định:
“Cho đến nay vẫn không có tiến triển nào trong vấn đề thái độ của Nhật Bản đối với quá khứ lịch sử. Nếu không có tiến bộ về vấn đề này thì khả năng hội nghị Nhật Bản-Hàn Quốc sẽ gặp vấn đề. Và điều đó sẽ phủ bóng đen lên triển vọng hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc. Quả thật là hiện nay có một số dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo ấm lên. Đúng là các ông Tập Cận Bình và Abe có gặp nhau hai lần — ở Bắc Kinh và Jakarta, nhưng chỉ thoáng qua. Không có cuộc gặp chính thức vì Trung Quốc từ chối. Nhưng bây giờ tình hình ở Biển Đông đang rất nghiêm trọng. Nhật Bản, cùng với Mỹ cáo buộc Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự trong tranh chấp lãnh thổ để gây sức ép với Bắc Kinh. Điều này tất nhiên khiến cho quan hệ Trung-Nhật trở nên căng thẳng. Khó có thể nói tình hình tiếp theo sẽ phát triển như thế nào, vấn đề hội nghị thượng đỉnh ba bên vẫn đang trong suy đoán.”
Bây giờ tất cả mọi người đang chờ xem ông Abe sẽ nói những gì trong bài phát biểu vào dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh thế giới II. Ông Abe dự kiến sẽ phát biểu ngày 15 tháng 8, ngày mà Hoàng đế Hirohito tuyên bố đầu hàng. Có nhiều tin đồn khác nhau về việc Thủ tướng Nhật Bản sẽ dựa trên các tuyên bố của những người tiền nhiệm. Năm 1995, Thủ tướng Tomiichi Murayama thừa nhận Nhật Bản xâm lược, đã xin lỗi và ăn năn trước những nỗi đau thương và thiệt hại của các nạn nhân,. Hai năm trước đó, Tổng thư ký nội Yohei Kono đã xin lỗi trước các "nô lệ tình dục." Người ta cho rằng ông Abe sẽ phát biểu theo tinh thần này, nhưng có lẽ sẽ áp dụng một số từ ngữ mới. Điều này rất đáng báo động và gây quan ngại cho người Hàn Quốc và Trung Quốc. Hội nghị thượng đỉnh ba bên có được tổ chức hay không, phần lớn sẽ phụ thuộc vào điều này.