Chính trị gia Nhật Bản Kazuyuki Hamada, một thành viên Viện cố vấn đã trao đổi với đài Sputnik về ý nghĩa của sự kiện. Ông cho biết khả năng ký Hiệp định TTP là rất cao.
“Hôm qua, Thượng viện Mỹ đã cấp cho Tổng thống Barack Obama quyền tiến hành đàm phán với 11 quốc gia quan tâm tới dự án TTP, trong đó có Nhật Bản. Thiếu điều này, có nguy cơ xảy ra tình huống hiệp định được nghị viện các nước thành viên phê chuẩn nhưng bị Quốc hội Mỹ ngăn chặn, dẫn tới thất bại thỏa thuận. Để đạt tiến bộ hình thành TTP, các tập đoàn đa quốc gia, tổ chức tài chính, các công ty dược phẩm và xây dựng đã gây áp lực rất mạnh lên Tổng thống và Quốc hội Mỹ. Kết quả là đảng Dân chủ nhất trí ủng hộ hiệp định TTP.”
“Trong quá trình đàm phán, đã ghi nhận 26 lĩnh vực mâu thuẫn đòi hỏi khắc phục. Nhờ quyết định ngày hôm qua của Quốc hội Mỹ, tiếp theo có thể sớm tổ chức các cuộc đàm phán về TTP cấp bộ trưởng và hy vọng đi tới thỏa hiệp. Đó là lý do Thủ tướng Abe bày tỏ tin tưởng rằng Nhật Bản sắp đạt được việc ký Hiệp định TTP.”
Có ý kiến lo ngại trong trường hợp Nhật Bản tham gia TTP, nền nông nghiệp và các nhà sản xuất ô tô trong nước sẽ lâm vào khó khăn khắc nghiệt. Theo ông Kazuyuki Hamada, đây là những quan ngại chính đáng.
“Các nhóm nông nghiệp Nhật Bản, bắt đầu từ Hiệp hội Nông nghiệp, đều phản đối hiệp định. Thực tế giá gạo và rau ở Nhật Bản rất cao. Trong khi ở Mỹ, Úc và châu Âu giá thấp hơn. Nếu mức thuế nhập gạo tương đương 0%, gạo Mỹ sẽ vào thị trường Nhật Bản với giá thấp 1/10 giá tại Nhật Bản. Hiện mức thuế nhập gần bằng 100% giá mua nhằm bảo vệ người sản xuất nông nghiệp trong nước.
Nếu hủy thuế, các sản phẩm gạo, rau, thịt, hoa quả sẽ tràn vào Nhật Bản với giá rẻ, dẫn tới tình cảnh khủng khiếp cho nông dân Nhật Bản vốn kém sức cạnh tranh. Vì thế họ ồn ào phản đối. Đó là vậy, tuy nhiên tôi nghĩ chúng tôi nên tận dụng sự gia nhập TTP như một cơ hội củng cố nền nông nghiệp Nhật Bản trong điều kiện thương mại tự do, ngành này đã được bảo hộ quá nhiều. Tương lai Nhật Bản phụ thuộc vào điều này. Cần biến nông nghiệp thành một ngành tự lập, hoàn toàn mới, trang bị công nghệ cao, ngoài sản xuất thực vật, các loại thuốc sẽ cung cấp cả dịch vụ du lịch.”
Theo các chuyên gia Nga, nếu gia nhập TTP, Nhật Bản sẽ mất đi tính độc lập không chỉ riêng về kinh tế mà cả địa chính trị. Chính trị gia Kazuyuki Hamada lo ngại hệ thống nhà nước Nhật Bản có nguy cơ tan vỡ.
“Tôi nghĩ việc giải quyết tranh chấp nhà đầu tư-nhà nước (ISDS) là một vấn đề rất lớn, bởi ISDS đem lại cho các doanh nghiệp có cơ hội khả năng điều khiển nhà nước. Mỗi quốc gia đều có luật lệ và hiến pháp riêng, nhưng Ngân hàng Thế giới và các cấu trúc tương tự đứng trên họ tạo ra những tòa án trọng tài mà bất kỳ công ty nước ngoài cũng có thể đâm đơn khiếu nại, ví dụ về việc "họ chịu thiệt hại do sự không hoàn hảo của pháp luật Nhật Bản." Điều đáng ngại — quyết định của Tòa án Trọng tài quốc tế có nhiều quyền hạn hơn luật pháp và Hiến pháp Nhật Bản, chủ quyền của Nhật Bản sẽ bị đe dọa. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Vì vậy, trong khi nghiên cứu chi tiết dự án TTP, có lẽ Nhật Bản nên tìm các giải pháp kìm hãm hiệu lực điều kiện của ISDS. Nếu không, Nhật Bản có thể lâm vào tình huống nguy hiểm, khi các công ty đa quốc gia Mỹ được quyền len lỏi vào phạm vi luật pháp, phá hoại hệ thống nhà nước Nhật Bản.”