Đến mùa thu, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đi thăm Mỹ. Liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có âm mưu gì sau lưng Nga hay không? Nhà Trung Quốc học nổi tiếng của Nga, Trưởng ban Hợp tác quốc tế của Viện kinh tế cao cấp Nga, Giáo sư Alexander Lukin cho rằng không phải như vậy.
"Trung Quốc và Nga có quan hệ đối tác chiến lược, nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc không cần có quan hệ tốt với các nước khác. Trung Quốc và Mỹ là hai cường quốc lớn trên thế giới. Hai nước liên kết rất chặt chẽ với nhau về kinh tế và có những nhiệm vụ chính trị chung. Vì vậy dĩ nhiên là họ phải đàm phán với nhau. Người Trung Quốc cho rằng nước họ đang quan hệ bình đẳng với Hoa Kỳ. Nhưng Bắc Kinh không hài lòng vì Mỹ đang cố gắng kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Hợp tác quân sự giữa hai nước cũng không đồng đều. Vì vậy, tất nhiên họ sẽ không tiến đến hoạt động quân sự chung. Ở đây chỉ có thể nói đến trao đổi chuyến thăm và trao đổi một số thông tin, nhưng sẽ không thảo luận về cuộc tập trận quân sự nào do Trung Quốc tiến hành, như với Nga chẳng hạn."
Có nên hy vọng rằng trong chuyến thăm này, Mỹ sẽ đề xuất với ông Tập Cận Bình để Trung Quốc tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay không? Về câu hỏi này, Giáo sư Lukin trả lời như sau:
"Đây không phải là một câu hỏi đơn giản. Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn ít nhất là thảo luận về chủ đề tham gia TPP. Nhưng người Mỹ nêu ý tưởng xây dựng liên minh này là nhằm chống Trung Quốc. Không có gì ngạc nhiên khi mới đây Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng nước Mỹ cần đặt ra các quy tắc thương mại quốc tế, chứ không phải là Trung Quốc. Nhiều khả năng, Mỹ sẽ không cho Trung Quốc tham gia TPP. Bởi vì đây không phải là tổ chức ủng hộ Mỹ, mà là tổ chức trong đó Trung Quốc sẽ có vai trò kiểm soát đáng kể. Đó không phải là điều mà người Mỹ cần đến."
Theo ông Lukin, nguồn gốc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là do hai nước có quan điểm khác nhau về trật tự toàn cầu.
"Nếu bạn hỏi bất kỳ chính trị gia Mỹ nào, ông ta sẽ nói: chúng tôi không cần bất kỳ sự đối đầu nào, chúng tôi muốn hợp tác. Vấn đề là Mỹ không thể tưởng tượng rằng có sự hợp tác không tuân theo điều kiện của họ. Họ không thích những cầu thủ bất đồng với họ trên sân khấu thế giới. Mỹ muốn đưa ra các điều kiện của họ. Trong khi đó, là một cường quốc đang phát triển, Trung Quốc ít nhất là muốn đối thoại với Mỹ trên cơ sở bình đẳng. Người Trung Quốc nói rằng họ không muốn phá hoại các hệ thống hiện tại trong trật tự toàn cầu, mà chỉ muốn cải cách nó, để các cường quốc mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ có tiếng nói lớn hơn. Nhưng từ quan điểm của Mỹ, điều đó làm suy yếu hệ thống, bởi vì sẽ tước đi một phần vai trò kiểm soát của Mỹ."
Nếu nói về Nga, nước này có một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
"Xét từ quan điểm của Trung Quốc, Nga chiếm vị trí nổi bật trong nền chính trị thế giới. Nga đang theo đuổi đường lối độc lập và không khuất phục trước áp lực từ phía phương Tây, chủ yếu là từ phía Hoa Kỳ. Theo quan điểm của Trung Quốc, điều đó rất có giá trị vì trên thế giới có nhiều quốc gia như vậy. Chẳng hạn, đó là các nước liên kết trong nhóm BRICS. Nếu không có Nga, Trung Quốc sẽ cảm thấy đơn độc trong cuộc đối đầu với Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có những lợi ích kinh tế khác. Bất chấp thực tế rằng Nga chiếm thị phấn nhỏ trong tổng khối lượng ngoại thương của Trung Quốc, khoảng 2%, nhưng có những sản phẩm mà Trung Quốc không thể nhập khẩu từ các nước khác, hoặc không thể mua đủ khối lượng. Các loại vũ khí chẳng hạn. Ngoài ra, Trung Quốc nhập khẩu một phần đáng kể các tài nguyên của Nga."
Theo nhà Trung Quốc học nổi tiếng người Nga Alexander Lukin, tới đây, xung đột giữa Trung Quốc và phương Tây sẽ gia tăng. Trong khi đó, quan hệ giữa Trung Quốc với Nga sẽ được ổn định và chỉ có thể cải thiện hơn.