Ngoài ra còn có các thành viên G7 và các nước đồng minh với Mỹ đã vượt qua áp lực của Washington để tham gia dự án toàn cầu do Trung Quốc khởi xướng. Ngày 29 tháng 6, tại Bắc Kinh, 50 quốc gia đã ký kết thỏa thuận về việc thành lập AIIB. Thêm 7 quốc gia sáng lập sẽ ký kết văn kiện này sau thủ tục phê duyệt nội bộ.
Nga trở thành chủ nhân 65 362 cổ phiếu và 5,92 % số phiếu của Ngân hàng, chiếm vị trí thứ ba sau Trung Quốc và Ấn Độ. Hai nước này chiếm 20,06 % và 7,5 % số phiếu tương ứng. Trong số sáu nước đồng sáng lập có Đức, Hàn Quốc và Australia.
Tỷ lệ cổ phiếu và số phiếu như vậy sẽ cho phép Nga chiếm một loạt chức vụ trong ban lãnh đạo ngân hàng. Nga có một số dự án xứng đáng được vay tín dụng của AIIB. Đặc biệt, đó là các dự án như xây dựng đường cao tốc "Moskva-Kazan" và Hành lang giao thông vận tải châu Âu — Tây Trung Quốc.
Tại Diễn đàn kinh tế St Petersburg gần đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nga Maxim Sokolov nói rằng Nga có triển vọng được nhận 1/3 hoặc 1/2 tín dụng của AIIB cho giai đoạn đến năm 2020. Tổng vốn của ngân hàng là 100 tỷ USD.
Mỹ và Nhật Bản nêu lên các trở ngại chính để không tham gia dự án này là quyết định của ngân hàng không minh bạch. Chuyên gia Victor Pavlyatenko bình luận về điều đó như sau:
"Có 57 quốc gia là thành viên tham gia dự án này. Trong số đó có các thành viên của G-7 như Anh, Pháp, Đức. Tôi không nghĩ rằng các nước như vậy sẽ không bao giờ tham gia AIIB, nếu như tổ chức mới này thiếu minh bạch. Chỉ cần xét rằng trong trường hợp này, người Nhật đã a dua theo đường lối của Mỹ là đủ hiểu. Mỹ và Nhật Bản đang đối đầu Trung Quốc, vì vậy họ chống tổ chức mới sẽ gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Quyết định của Tokyo chứng tỏ họ thiếu độc lập trong chính sách ngoại giao của mình. Giới doanh nghiệp và công chúng nói chung ở Nhật Bản có ý kiến rằng Nhật Bản đã gây hại cho hình ảnh và lợi ích của mình, và không có lý do gì hữu hình để không tham gia AIIB."
Cũng như đối với Nhật Bản, Washington gây áp lực mạnh mẽ lên Hàn Quốc, Australia và Đức. Nhưng theo chuyên gia Alexander Vorontsov, Seoul đã không mất tỉnh táo:
"Quan điểm của Hàn Quốc về ngân hàng này quả là rất ấn tượng. Đây là đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ. Điều đó nói lên rất nhiều. Seoul ý thức được rằng ngân hàng AIIB thực sự là công cụ tài chính quan trọng cho phát triển khu vực. Hàn Quốc là một trong những nước có nền kinh tế hàng đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bất chấp các bất đồng tiềm năng về mặt chính trị với đồng minh quân sự và chính trị của mình, Hàn Quốc đã quyết định tham gia tích cực vào AIIB. Sự hiện diện của Đức trong Top-5 cũng chứng minh rằng đây là ngân hàng quốc tế. Trên thế giới người ta quan tâm đến ngân hàng này. Mặt khác, nếu nói về sự quan tâm của Đức thì đây không chỉ là vấn đề tài chính, mà còn về mặt địa chính trị. Đức mong muốn đóng một vai trò nổi bật trong khu vực này, là điều là Berlin đang cố gắng thực hiện."
Khởi xướng việc thành lập AIIB, Trung Quốc đang là thách thức đối với sự thống trị của Mỹ hiện nay trong thế giới tài chính thông qua IMF và Ngân hàng Thế giới. Hôm nay, dự án toàn cầu AIIB chính thức khai trương. Như vậy có nghĩa là hàng chục quốc gia đang tham gia tổ chức mới đang góp phần làm lung lay vị thế của Mỹ.