Về mối liên hệ của IS và Hoa Kỳ, nhà báo Đan Thi của đài "Sputnik" đã đàm đạo với Đại tá Lê Thế Mẫu, chuyên viên phân tích quân sự quốc tế, nguyên Trưởng phòng Thông tin khoa học quân sự thuộc Viện Chiến lược Quốc phòng Việt Nam.
Xin mời các bạn theo dõi cuộc đàm đạo này.
Nhà báo Đan Thi: Một trong những vấn đề nóng của thời sự thế giới, đặc biệt là khu vực Trung Đông, là sự nổi lên và lộng hành của nhóm khủng bố "Nhà nước Hồi giáo", thường được gọi tắt là IS. Mỹ và các đồng minh đang tiến hành chiến dịch không kích vào các vị trí của IS. Washington tốn phí những khoản tiền khổng lồ (9 triệu USD/ngày) cho cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên tình hình không mấy khả quan và IS vẫn tăng cường hoạt động cũng như thế lực.
Với cái nhìn của một chuyên viên quân sự cao cấp Việt Nam, ông nhận xét thế nào về thực chất mối quan hệ của Mỹ và IS? Việt Nam có bài học kinh nghiệm gì chăng về chuyện này?
Đại tá Lê Thế Mẫu: "Theo quan sát của tôi, để xác định thực chất mối quan hệ của Mỹ với bất kỳ một chủ thể nào trên thế giới, trước hết cần xuất phát từ lăng kính lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ. Đối với Mỹ, lợi ích đó thường có ý nghĩa và tầm toàn cầu.
Theo cách tiếp cận này có thể thấy thực chất quan hệ của Mỹ với IS cũng tương tự như quan hệ giữa Hoa Kỳ với một tổ chức khủng bố rất nổi tiếng khác có tên gọi "Al-Qaeda". Theo tiết lộ của ông Brezinski, nguyên Cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Cater, thì "Al-Qaeda" đã từng được Cục tình báo trung ương Mỹ nuôi dưỡng, cung cấp vũ khí và huấn luyện để rồi sử dụng lực lượng đó chống lại quân đội Liên Xô đang làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền Afghanistan hồi những năm 1980.
Về sau, Washington lại cho rằng "Al-Qaeda" là kẻ gây ra vụ khủng bố ngày 11/9/2001 và ngay lập tức Tổng thống Hoa Kỳ hồi đó là G.W.Bush mượn cớ này để phát động cái gọi là "cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố" ở Afghanistan, mà thực chất là để mở đầu cuộc chinh phục và kiểm soát lãnh thổ một quốc gia có vị trí đặc biệt quan trọng trên "bàn cờ lớn" của Washington ở lục địa Á-Âu. Tác giả xây dựng chiến lược cho cuộc chơi này của Mỹ trên "bàn cờ lớn" cũng chính là Brezinski. Vì thế mà sau gần 15 năm, kể từ khi Mỹ phát động "cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố" ở Afghanistan, thì khủng bố càng lan rộng cả về quy mô lẫn cường độ. Đặc biệt nguy hiểm là hiện nay Afghanistan đã trở thành trung tâm sản xuất và buôn lậu ma túy lớn nhất thế giới, từ đó "cái chết trắng" hàng ngày hàng giờ gieo rắc tới các nước Trung Á và Nga.
Lúc này, quan hệ của Mỹ với "Al-Qaeda" đang được lặp lại trong câu chuyện về mối quan hệ giữa Mỹ với IS, kế thừa vị thế của một tổ chức khủng bố khác có tên là Nhà nước Hồi giáo của Iraq và Cận Đông, thường gọi tắt là ISIL. Theo chính tiết lộ của các chuyên gia nghiên cứu ở Mỹ và nhiều nước Phương Tây khác, thì ISIL-tiền thân của IS, chính là sản phẩm ra đời từ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Iraq năm 2003. Sau đó, ISIL lớn mạnh nhanh chóng nhờ nhận hỗ trợ về tinh thần, viện trợ về tài chính, vũ khí, lại được nhiều tổ chức tình báo phương Tây huấn luyện.
Từ năm 2012 tới năm 2014, ISIL đã từng đóng vai trò then chốt trong cái gọi là "các lực lượng đối lập" ở Syria để tiến hành cuộc chiến tranh khủng bố tàn bạo nhất và đẫm máu nhất nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Trong thời gian đó, ISIL và Mỹ có cùng mục đích là tiêu diệt Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Vì thế, ISIL được một số chính khách ở Phương Tây ca ngợi là "những chiến sỹ đấu tranh vì tự do" ở Syria (!?).
Đầu tháng 6/2014, ISIL mở cuộc tấn công ồ ạt vào nhiều mục tiêu trên lãnh thổ Iraq ngay trước mũi súng của các lực lượng quân sự Mỹ còn hiện diện tại đây và nằm trong tầm phóng của các loại vũ khí hiện đại nhất của Mỹ bố trí trên các tàu sân bay đang hiện diện ở Vùng Vình. Thế nhưng Mỹ vẫn án binh bất động. Chỉ đến khi ISIL tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo, tức là IS, thì tổ chức này "chỉ sau một đêm" trở thành nguy cơ khủng bố "nguy hiểm nhất thế giới".
Câu chuyện về "Al-Qaeda" đang được lặp lại gần như y nguyên với IS. Chỉ có một sự khác nhau về hình thức. Đó là, nếu để chống "Al-Qaeda" sau sự kiện 11/9/2001, Tổng thống Mỹ G.W.Bush phát động "cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố", còn Tổng thống Mỹ B.Obama thì tuyên bố về "chiến lược chống IS". Thật khó hiểu là hiện nay, cả Mỹ và IS đều đang thực hiện cùng một mục tiêu là tiếp tục cuộc chiến để loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, còn ông Bashar al-Assad — người lãnh đạo nhân dân Syria đương đầu thắng lợi với cuộc chiến khủng bố do ISIL tiến hành trong gần 4 năm qua, lại không được tham gia cái gọi là "Liên minh chống IS". Nga và Iran cũng không có mặt trong liên mình này. Vì thế mà ngay cả nhiều chính khách ở Mỹ và phương Tây cũng không tin vào hiệu quả của chiến lươc chống IS như Tổng thống Obama tuyên bố.
Nhân bàn về câu chuyện này, các nước trên thế giới, trong đó đương nhiên có cả Việt Nam, có thể rút ra bài học kinh nghiệm là trong quan hệ quốc tế, người Mỹ luôn đặt lợi ích quốc gia của họ lên trên hết. Nói cách khác, đối với Mỹ, lợi ích là vĩnh viễn còn đối tượng hay kẻ thù chỉ là nhất thời. Do đó, họ luôn hành động theo nguyên tắc "tiêu chuẩn kép".
Vì thế, trong quan hệ với Mỹ, các quốc gia cần và nên ứng xử theo nguyên tắc "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Bất biến ở đây là duy trì đường lối chính trị nhất quán độc lập tự chủ, không phụ thuộc vào Mỹ, không liên kết với Mỹ để chống nước thứ ba", — chuyên viên quân sự Việt Nam, Đại tá Lê Thế Mẫu kết luận.