Ngoài ra, hạn ngạch Nhật Bản trong vùng đặc quyền kinh tế của Nga (200 dặm kể từ bờ biển) trong năm nay cũng giảm 70%.
Chuyện ở đây nói về một loại hình đánh bắt cá theo lối công nghiệp, sử dụng loại tàu drifters thả mạng lưới nổi dài tới vài chục km có đặc tính giữ chặt những con cá mắc lưới không cho thoát ra. Cách này dùng để khai thác hàng loạt với cá ngừ, cá trích, cá hồi, cá thu…
Luật Nga vừa ban hành đã gây xôn xao lớn ở Nhật Bản. Trong cuộc nói chuyện điện thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ rằng ông “lấy làm tiếc”; còn Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida thì gọi luật mới của Nga là “bước đi hết sức đáng buồn”. Bộ trưởng Bộ Thủy sản Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tuyên bố rằng việc thực thi lệnh cấm đánh bắt cá bằng lưới trôi trong vùng biển Viễn Đông của Nga sẽ gây những hậu quả tiêu cực cho ngành thủy sản Nhật Bản.
Một số bình luận gia ở Nhật Bản cho rằng những thông số môi trường dẫn đến lệnh cấm chỉ là cái cớ, còn thực chất đây là phản ứng trả đũa của Matxcơva cho việc Tokyo tiến hành biện pháp trừng phạt chống Nga trong tương quan tình hình Ukraina.
Vậy liệu có phải là đạo luật về đánh bắt hải sản của Nga có hướng chống lại Nhật Bản, hay là động cơ thông qua luật bao hàm ở chỗ khác? Phóng viên đài "Sputnik" đã nêu câu hỏi đó với một trong những người khởi xướng dự luật, ông Gennady Gorbunov Chủ tịch Ủy ban Hội đồng LB về chính sách nông nghiệp-lương thực và sử dụng môi trường.
“Nếu cho rằng đạo luật này mang tính chất chống Nhật Bản thì hoàn toàn vô căn cứ. Câu chuyện này thực ra đã bắt nguồn từ 30-40 năm trước, nhưng mọi nỗ lực của cơ quan chuyên trách để ban hành lệnh cấm đều không thành công. Bây giờ ý kiến của chúng tôi được sự ủng hộ của ban lãnh đạo đất nước cũng như các cơ quan chức năng các vùng và khu vực tham gia khai thác hải sản, ngoại trừ Sakhalin. Dự luật này đã được thảo luận trong suốt năm, phía Nhật Bản cũng đã được thông báo rằng nhiệm vụ của chúng tôi là bảo tồn những đàn cá hồi quí giá, kể cả những con cá mẹ đang bơi đi đẻ trứng, dành cho những thế hệ tương lai. Và không chỉ cá, mà còn chủ trương bảo tồn tất cả nguồn tài nguyên sinh học, trong đó có các loài chim và động vật biển mà lưới trôi gây thiệt hại lớn không thể phục hồi”.
Nhưng ngay cả Thượng nghị sĩ từ khu vực Sakhalin, ông Aleksandr Verkhovsky, nhân vật được cho là cần đứng về phía các ngư dân vùng Kuril, cũng đã bày tỏ quan điểm như sau: “Thực tế ở hầu hết các nước loại hình đánh cá như thế này đều bị cấm. Trường hợp đánh cá công nghiệp kiểu Drifters của Nhật Bản và Nga hiện nay là duy nhất trên thế giới. Nếu xét việc thông qua các đạo luật Liên bang chỉ xuất phát từ góc nhìn lợi ích riêng của quần đảo Kuril, thì chúng ta sẽ đi vào chỗ bế tắc. Cá nhân tôi cho rằng lệnh cấm đánh bắt cá bằng tàu lớn lưới trôi là hợp lý".