Tờ báo kinh doanh Nga "Vzglyad" viết, dự luật này là một điều kiện tiên quyết cho sự hợp tác giữa Ukraina và Quỹ IMF. Và chắc rằng, Kiev sẽ thực hiện yêu cầu này. Trước đây, Chính phủ Ucraina và Ngân hàng Quốc gia Ukraina đã thực hiện tất cả các chỉ thị của IMF.
Mỗi năm 30 tỷ grivna được cấp từ ngân sách Ukraina để đảm bảo những ưu đãi thuế khác nhau cho nông dân, mà theo ý kiến của các chuyên gia IMF, đó là con số quá lớn. Kể từ năm 1998, Ukraina áp dụng chế độ ưu đãi thuế cho các cơ sở sản xuất nông nghiệp. Đại diện thường trú của IMF tại Ukraina Jerome Vacher hứa rằng, việc bãi bỏ các ưu đãi thuế cho nông dân sẽ không dẫn đến việc ngành nông nghiệp Ukraina bị mất khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ông Vacher nói: "Có những nước mà ngành nông nghiệp không được trợ cấp hoặc chỉ có tiền trợ cấp ít ỏi".
Những tuyên bố như vậy là một thí dụ về tiêu chuẩn kép của Mỹ và EU, mà chính họ là những người hưởng lợi chính của IMF. Trong nhiều thập kỷ, EU và Mỹ dành sự hỗ trợ lớn chưa từng thấy cho ngành nông nghiệp của nước mình. Nhờ sự hỗ trợ nhà nước, EU và Hoa Kỳ đã trở thành các cầu thủ mạnh nhất trên thị trường nông nghiệp, đặc biệt là, Washington và Brussels vẫn không loại bỏ trợ cấp cho ngành nông nghiệp.
Cả Mỹ và EU đều dành sự hỗ trợ to lớn cho ngành nông nghiệp, khác biệt duy nhất là phương pháp thực hiện chính sách này. Ví dụ, sự hỗ trợ của EU chủ yếu nhằm vào mục đích duy trì số lượng nông dân, để không gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, để giá thành sản phẩm không tăng lên, và người nông dân có mức thu nhập tương đương với các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Ở những giai đoạn khác nhau, các khoản tài trợ của EU đã lên đến 45-50% chi phí sản xuất (ở Nga chỉ số này là 3,5%).
Nếu EU định hướng vào việc duy trì sự ổn định xã hội, thì Hoa Kỳ xuất phát từ tình trạng kinh tế. Trong những năm khủng hoảng, mức trợ cấp cho nông dân Mỹ tăng lên rõ rệt, còn vào những năm phát triển ổn định mức trợ cấp là thấp hơn. Ukraina đang trải qua cuộc khủng hoảng nặng nề, và theo logic của Mỹ cần phải dành sự hỗ trợ lớn hơn bao giờ hết cho nông dân Ukraina. Nhưng, Washington áp dụng nguyên tắc này chỉ cho bản thân.
Các nước phương Tây phát triển cao không có ý định giúp đỡ người khác. Nguyên tắc này thể hiện rất rõ ngay cả bên trong Liên minh châu Âu, nơi có sự phân chia rõ rệt giữa các quốc gia EU cũ và mới. Ví dụ, trong năm 2008, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Áo đã nhận được tài trợ của EU tính trung bình là 512 euro/1 ha đất nông nghiệp, trong khi khoản trợ cấp cho Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan là ít hơn 2 lần, chỉ có 256 euro/1 ha đất nông nghiệp.
Bộ Tài chính của Ukraina đã ủng hộ quyết định này của Quỹ IMF. Song, cùng với việc hủy bỏ các ưu đãi thuế, Kiev coi cần thiết phải áp dụng chế độ trợ cấp mục tiêu cho nông dân.
Vấn đề là ở chỗ, Ukraina là thành viên WTO, và WTO kiên quyết chống lại các trợ cấp mục tiêu. Năm 1995, khi WTO được thành lập, Mỹ, EU và Nhật Bản đã chiếm hơn 40% thị trường lương thực thế giới. Ba quốc gia này đã nhận được các quyền cơ bản để hỗ trợ cho nông dân của nước mình, và họ vẫn sử dụng rộng rãi quyền này, trong khi các nước khác trong WTO buộc phải hạn chế khối lượng trợ cấp tùy theo vị trí của mình trong thương mại thế giới.
"Ukraina đã mất đi quy chế quốc gia phát triển công nghệ cao, đã tiêu diệt ngành công nghiệp, và bây giờ chính quyền Kiev cố gắng biến Ukraina thành một nước chỉ xuất khẩu nông phẩm và nguyên liệu. Các quan chức lặp đi lặp lại một cách không mệt mỏi rằng, Ukraina sẽ cung cấp lương thực cho toàn thế giới và sẽ vượt ra khỏi khủng hoảng thông qua sự phát triển khối nông nghiệp của đất nước. Nhưng, trên thực tế, người nông dân đã lâm vào cảnh khó khăn, trong tình hình hiện nay nhiều người chỉ đơn giản rời khỏi ngành nông nghiệp ". Đó là ý kiến của nhà kinh tế học Alexander Koltunovich, đại diện đảng "Sự lựa chọn của Ukraina".
Thời gian tới ở Ukraine sẽ không còn những cơ sở nông nghiệp nhỏ. Các tập đoàn lớn sẽ mua với mức giá rất thấp các trang trại nhỏ đang hoạt động ổn định, còn các cơ sở khác sẽ bị phá sản. Và sau khi chính phủ cho phép người nước ngoài mua đất và cơ sở nông nghiệp (như dự kiến vào năm 2016), thì các tài sản chính của đất nước sẽ thuộc quyền sở hữu của Mỹ và châu Âu. Chắc chắn là, Mỹ và các nước châu Âu sẽ biến đất đai và các cơ sở nông nghiệp của Ukraina thành khu vực cung cấp nguyên liệu cho các quốc gia này.