Giáo sư Natalia Rogozhina, nhà phân tích chính trị người Nga nêu ý kiến: “Thái Lan có vị trí đặc biệt trong số các nước ở Đông Nam Á đang phải đương đầu với mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Đã hơn nửa thế kỷ, ở đây tồn tại tới mười tổ chức dân tộc ly khai. Họ ủng hộ việc thành lập nhà nước Hồi giáo độc lập Pattani trên lãnh thổ ba tỉnh biên giới phía nam giữa Thái Lan và Malaysia.”
Theo tham khảo của chúng tôi, các tổ chức này không những chiến đấu chống chính phủ Thái Lan mà còn chống lại bất cứ những gì cản trở họ đạt mục tiêu. Đối tượng bị khủng bố không chỉ có cảnh sát và lực lượng an ninh mà cả thường dân. Trong mười năm kể từ năm 2004, ở miền Nam Thái Lan đã có 6.200 người bị giết. Con số này lớn hơn nhiều số người thiệt mạng trong cùng thời gian ở Dải Gaza khét tiếng của Trung Đông, địa bàn đối đầu giữa những kẻ khủng bố Palestine và quân đội Israel.
Chính quy mô của hoạt động này đã thu hút sự chú ý từ các thủ lĩnh ISIL, mặc dù mãi cho tới gần đây các chiến binh phía nam Thái Lan chưa hề gia nhập phong trào Thánh chiến Hồi giáo quốc tế. Sự xích lại gần của các phần tử này có nguy cơ làm tăng hơn nữa mối đe dọa cho nền an ninh Thái Lan, cũng như sự ổn định chính trị nội bộ vốn nhiều bấp bênh.
Vì vậy, việc Thái Lan ủng hộ cuộc chiến quốc tế chống ISIL là động thái cương quyết phản ánh những nỗ lực bảo vệ lợi ích của Vương quốc, — chuyên gia Nga kết luận.