Mới đây, Phó Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, Phó Đô đốc P. Murugesan đã chính thức công bố tin này.
Trả lời phỏng vấn của tờ "The Economic Times", Phó Đô đốc đã tuyên bố rằng, vào đầu năm nay, Chính phủ đã tán thành kế hoạch xây dựng 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân. Ông nói: "Chúng tôi bắt đầu làm việc, và đang ở giai đoạn nghiên cứu bản vẽ thiết kế".
Ấn Độ bắt đầu khởi công chế tạo các tàu ngầm hạt nhân chiến lược. Chiếc tàu ngầm tên lửa đầu tiên "Arihant" đang được thử nghiệm trên biển. Theo kế hoạch, trong năm 2016, con đầu lòng trong bộ phận hải quân của "bộ ba hạt nhân" sẽ xuất hiện trong thành phần Hải quân Ấn Độ. Như dự định, Ấn Độ sẽ xây dựng sáu tàu ngầm hạt nhân.
Cho đến gần đây đã không có thông tin cụ thể nào về ý định của Ấn Độ xây dựng các tàu ngầm hạt nhân. Hiện nay, Hải quân Ấn Độ thuê tàu ngầm tấn công hạt nhân của Nga "Chakra". Ngoài ra, Matxcơva và New Delhi đang bước vào những giai đoạn đàm phán cuối cùng nhằm cho phép Ấn Độ thuê thêm một tàu ngầm hạt nhân của Nga.
Tại một cuộc họp báo, Giám đốc Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới Igor Korotchenko cho biết rằng, phía Ấn độ đã đề xuất sáng kiến này, và chúng tôi sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của họ. Trong tương lai, Ấn Độ sẽ chế tạo tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp tương tự như vậy, nhưng, bây giờ Hải quân Ấn Độ nên thu lượm những kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo thủy thủ đoàn, vận hành kỹ thuật, chiến thuật sử dụng trong chiến đấu. Vì vậy, quyết định của New Delhi thuê thêm một tàu ngầm là vô giá đối với Hải quân Ấn Độ để thu lượm những kinh nghiệm chiến đấu".
Trong cuộc đàm đạo với phóng viên đài "Sputnik", Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chính trị Ấn Độ, Đại tá Hải quân Uday Bhaskar nói về dự án mới nhằm phát triển Hải quân Ấn Độ, như sau:
"Nhiệm vụ của các tàu ngầm hạt nhân ở các quốc gia như Ấn Độ là đảm bảo khả năng chiến đấu của lực lượng tàu ngầm ở mức độ cần thiết. Nhiệm vụ này được thực hiện bằng cách kết hợp khả năng của tàu ngầm diesel-điện thông thường, tàu ngầm tấn công hạt nhân và tàu ngầm hạt nhân chiến lược. Đây là cấu trúc thông thường của lực lượng hải quân ở các quốc gia hàng đầu. Nếu phân tích quá trình phát triển lực lượng hải quân trong 40-50 năm qua ở Hoa Kỳ, Liên Xô cũ, Anh, Pháp, và hiện nay cả Trung Quốc, thì thấy rõ rằng, các nước này đã làm theo cùng một cách. Vì thế, Ấn Độ cũng muốn phát triển lực lượng hải quân theo hướng này để có khả năng thiết kế chế tạo tàu ngầm tấn công hạt nhân".
Tờ báo cho biết rằng, các tàu ngầm tấn công hạt nhân của Ấn Độ sẽ được trang bị tên lửa hành trình siêu âm BrahMos do liên doanh Ấn-Nga sản xuất.