Seoul phản đối rằng trong "Sách Trắng" nói về quyền sở hữu của Nhật Bản với đảo Dokdo (Takeshima) hiện do Hàn Quốc kiểm soát. Tuy nhiên, trường hợp này sẽ không ngăn một hiểm họa đối với châu Á là đà phát triển hợp tác quân sự của Nhật Bản và Hàn Quốc trong khuôn khổ chính sách của Hoa Kỳ, — chuyên viên Aleksandr Vorontsov Trưởng ban nghiên cứu Triều Tiên và Mông Cổ thuộc Viện Phương Đông (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) nhận xét.
"Khẳng định trong Sách Trắng về tham vọng sở hữu của Nhật Bản với Takeshima/Dokdo một lần nữa thu hút sự chú ý đến vấn đề vốn đã đầu độc quan hệ giữa Nhật Bản và hai nước Triều Tiên trong nhiều năm qua. Những dòng trong ấn phẩm mới liệu có gây hại gì thêm cho bang giao Nhật-Hàn? Một mặt, người Nhật đã dự kiến đầy đủ khi kết cấu vấn đề đảo Takeshima/Dokdo vào trong "Sách Trắng". Cũng đã tính đến phản ứng tiêu cực từ phía Seoul. Nhưng tuyên bố của các bên về đề tài đảo Dokdo/Takeshima một phần chỉ mang tính chất nghi thức, như là một lần nữa khẳng định lập trường của các bên, vốn không tương hợp và gây sự phản đối từ mỗi nước. Tôi không nghĩ rằng sự xuất hiện của "Sách Trắng" sẽ làm mối quan hệ song phương Nhật-Hàn xấu đi trầm trọng hay tồi tệ lâu dài. Tuy nhiên, điều nguy hại cho cả hai nước là chính sách của Hoa Kỳ — nhà bảo trợ thâm niên của Nhật Bản và Hàn Quốc đang ráo riết thúc đẩy họ tham gia sâu hơn trong lĩnh vực an ninh. Với tốc độ khác nhau, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang bị lôi kéo vào quá trình tạo lập hệ thống phòng thủ tên lửa chung tại khu vực. Hợp tác của họ theo tuyến quân sự đang có những đường nét ngày càng lộ rõ. Chẳng có gì bí mật là Washington coi bộ ba Mỹ-Nhật-Hàn và Mỹ-Nhật-Australia như thành tố then chốt phục vụ chính sách duy trì vị thế thủ lĩnh độc tôn của Hoa Kỳ tại khu vực, đồng thời kiềm chế Trung Quốc và Nga. Nhưng chính sách này đang kích động dẫn đến chạy đua vũ trang và làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Đông Á".
Trong Sách Trắng có đoạn nói về tình trạng "gia tăng hoạt tính quân sự" của Nga ở vùng Kuril và "cuộc chiến pha tạp" mà dường như Nga đang tiến hành ở Ukraina, có thể "tác động đến toàn thể cộng đồng thế giới, kể cả châu Á". Ông Viktor Pavlyatenko chuyên viên chính của Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) bình luận như sau:.
"Thực tế hiện diện nhóm quân Nga trên quần đảo Kuril và sự củng cố của họ chỉ chứng tỏ rằng Matxcơva không hề có kế hoạch khác cho Nam Kuril, ngoài việc bảo tồn những vùng lãnh thổ này của LB Nga. Cả người Nhật và người Mỹ đều hiểu rõ rằng tiềm năng từng có của Nga ở vùng Viễn Đông còn chưa được phục hồi hoàn toàn. Thế mà vẫn có nỗi sợ hãi trước Nga. Ông Obama đã mô tả nước Nga như là "nguy cơ chính đe dọa thế giới", ngang hàng với "Nhà nước Hồi giáo". Còn người Nhật cũng xác định mối đe dọa là Nga, tuy rằng có qui mô nhỏ hơn — qua hiện diệc của các binh sĩ Nga trên quần đảo thuộc chủ quyền Nga. Đưa vào "Sách Trắng" đoạn đề cập đến "cuộc chiến lai tạp" chính là một kiểu lời "thề thốt" của Tokyo khi Washington đòi hỏi không phát triển quan hệ với Nga trong bối cảnh khi cả thế giới phương Tây — như người ta rêu rao — giữ lập trường chung, chống lại việc Crưm sáp nhập vào thành phần Nga. Đằng sau những từ ngữ đó chỉ là cố gắng của Nhật Bản tái khẳng định lòng trung thành của đồng minh Tokyo với Washington".
Theo quan điểm của các chuyên viên Nga, Nhật Bản bộc lộ sự thiển cận khi phản ứng với Trung Quốc và Nga qua chủ trương mở rộng tiềm năng quân sự của mình và tăng cường liên minh quân sự-chính trị với Hoa Kỳ.
Để tháo gỡ mối lo ngại về quan hệ với các nước láng giềng, phương thức tốt hơn hết là tiến hành đối thoại thẳng thắn với họ, — chính trị gia Nhật Bản nổi tiếng, thành viên Hội đồng cố vấn Kadzuyuki Khamada nhận xét.
"Tôi nghĩ rằng để giải quyết những vấn đề này Nhật Bản cần xây đắp quan hệ tin cậy với Nga và Trung Quốc. Còn kêu la về mối hiểm họa Trung Quốc sẽ chẳng giải quyết được vấn đề. Lẽ ra Thủ tướng Abe nên thử nói chuyện với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, thử nhìn vào đất nước này từ góc độ khác. Việc hệ trọng cần làm là mời Tổng thống Putin đến thăm Nhật Bản và trò chuyện với ông Putin một cách cởi mở. Còn nếu không làm được như vậy, thì Trung Quốc chắc hẳn sẽ đi theo con đường gia tăng sức mạnh quân sự, rồi nếu cứ liên tục nói về mối nguy hiểm từ Bắc Triều Tiên và Nga, tôi nghĩ chẳng có tác dụng giúp cho khu vực trở nên thịnh vượng phú cường".