Mốc kỷ niệm này có phần đóng góp trực tiếp của các cựu chiến binh Lực lượng phòng không Nga (nay thuộc lực lượng Phòng không trong Quân chủng Phòng thủ chống tên lửa-Quốc phòng vũ trụ của LB Nga). Tại Việt Nam năm 1965 các chuyên viên quân sự Xô-viết bắt đầu huấn luyện cho các quân nhân phòng không-tên lửa Việt Nam cách “làm việc” với một trong những vũ khí phòng không hiện đại nhất thời bấy giờ là tên lửa S-75 "Dvina". Xin nhắc rằng từ hơn năm năm trước đó, S-75 đã chứng tỏ hiệu suất chiến đấu của nó. Ngày 1 tháng Năm 1960 từ độ cao 22 km trên bầu trời Ural, tên lửa loại này đã bắn rơi máy bay do thám Mỹ Lockheed U-2 vốn vẫn được cho là bất khả chiến bại.
Trong bối cảnh cuộc chiến tranh đường không mà Hoa Kỳ tiến hành, các máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc Việt Nam ác liệt, chu trình đào tạo bộ đội tên lửa cho Việt Nam được các sĩ quan và hạ sĩ quan Liên Xô thực hiện theo phương châm “Hãy làm như tôi”. Thoạt đầu, các chuyên gia quân sự Xô-viết cũng trực tiếp tham gia chiến đấu. Ngày 24 tháng Bảy năm 1965, từ trận địa phục kích ở điểm cách Hà Nội 60 km về phía đông-bắc,hai tiểu đoàn 63 và 64 của Trung đoàn tên lửa 236 (mà để giữ bí mật được gọi là Trung đoàn cao xạ 236) dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Mozhayev và Ilyinykh đã bắn rơi 3 máy bay tiêm kích-ném bom "Phantom". "Phantom" Mỹ bay ở độ cao 5 km — vượt khỏi tầm với hiệu lực của pháo cao xạ. Vì thế đòn tấn công tên lửa đã hoàn toàn là bất ngờ, khiến các phi công Mỹ không kịp phản ứng hay định hướng. Theo Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày này được nhận qui chế là Ngày truyền thống của Binh chủng Tên lửa Phòng không Việt Nam.
Hôm nay, các thành viên Nga tham gia sự kiện hào hùng năm xưa đều đã là người hưu trí, là quân nhân phục viên. Nhưng tất cả vẫn giữ quân phong và rất tự hào đeo huân huy chương và gìn giữ các phần thưởng của Liên Xô và Việt nam mà họ đã được trao tặng trong cuộc chiến nửa thế kỷ trước. Trong phòng trưng bày triển lãm của Bảo tàng Lực lượng Phòng không Nga tại làng Zarya ngoại ô Matxcơva, những tư liệu và hiện vật về cuộc chiến Việt Nam chiếm vị trí trang trọng đặc biệt.
Kinh nghiệm sử dụng tên lửa ở Việt Nam nửa thế kỷ trước buộc chúng ta phải thay đổi nhận thức về vai trò của lực lượng phòng không trong chiến tranh, — Thượng tướng về hưu, TSKH quân sự Anatoly Nogovitsyn nhận định.
“Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đã giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ. Và đó là sự kiện đặc biệt trong lịch sử nhân loại hiện đại. Trước kia người ta cho rằng lực lượng phòng không là hệ thống hoàn toàn mang tính phòng thủ, chứ không thể có tác động lớn đến kết quả chiến cuộc. Thế nhưng cuộc chiến trên bầu trời Bắc Việt Nam đã chứng tỏ điều ngược lại: khi sở hữu một hệ thống phòng không vững vàng, tổ chức tốt và trang bị bằng các tên lửa phòng không tiên tiến, ta có thể giành phần thắng trong chiến tranh, dù là trong thế phòng thủ vẫn đánh bại được kẻ thù hùng mạnh hơn! Thực tế Việt Nam đã buộc xem xét lại một cách tổng thể và triệt để hàng loạt lý luận cũng như định đề về nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật quân sự. Qua thực tế Việt Nam, tầm quan trọng của hệ thống phòng không và sự hiểu biết về vai trò của lực lượng tên lửa đã tăng lên gấp bội!”.
Hôm nay, 50 năm sau khi dàn tên lửa phòng không xô-viết phóng hỏa từ ngoại thành Hà Nội, bầu trời Việt Nam đang được bảo vệ chắc chắn bằng các tên lửa S-300 — hệ thống vũ khí phòng không hiện đại do Nga sản xuất. Hiển nhiên không thể so sánh những tên lửa này với hệ thống "Dvina" huyền thoại: đó là những vũ khí thuộc thế hệ khác nhau, với những tính năng chiến đấu khác nhau! Thêm vào đó, trên thế giới hiện nay không hề tồn tại loại tên lửa nào tương tự mà mạnh và xuất sắc như S-300 của Nga.