Một lần nữa thế giới lại phải hồi hộp lo ngại, bởi Trung Quốc là nước tiêu dùng nguyên liệu lớn nhất. Các nhà phân tích đang tự hỏi, liệu đây có phải là dấu hiệu kết thúc phép lạ kinh tế Trung Quốc nổi tiếng hay không. Tình hình kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng như thế nào đến Nga, quốc gia gần đây đã tích cực phát triển quan hệ thương mại với Trung Quốc?
Cơn sốt thị trường chứng khoán ở Trung Quốc không hứa hẹn bất cứ điều gì tốt đẹp cho Nga, nhà kinh tế Yevgeny Nadorshin cho biết. Trước hết, đó là tín hiệu xấu về tình trạng trong khu vực tài chính của nền kinh tế Trung Quốc. Nga xuất khẩu cho Trung Quốc dầu mỏ, khí đốt, than đá, kim loại đen và kim loại màu, gỗ và các loại phân bón. Nếu kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại, nhu cầu đối với các loại hàng này sẽ giảm xuống. Nga đã cảm nhận được điều đó trong giao thương giữa hai nước — gần đây Trung Quốc đã giảm mạnh nhập khẩu than và quặng.
Chỉ số thị trường chứng khoán Trung Quốc phản ánh tình trạng kinh tế quốc gia của Trung Quốc đến mức nào? Lãnh đạo nhóm nghiên cứu kinh tế thế giới của Trung tâm phân tích kinh tế vĩ mô và dự báo ngắn hạn Alexander Apokin cho rằng sự liên hệ ở đây là rất gián tiếp. Trong mọi trường hợp, nếu chỉ dựa trên cơ sở chỉ số chứng khoán để kết luận rằng nền kinh tế Trung Quốc đang có vấn đề là vô lý, ông Apokin nói.
"Ngay từ giữa năm 2012, nền kinh tế của Trung Quốc đã bước vào chu kỳ phát triển chậm lại, liên quan với một số yếu tố cấu trúc — chẳng hạn như tái phân phối dòng chảy thương mại, dân số trong độ tuổi lao động giảm và mô hình tăng trưởng tổng thể dựa vào xuất khẩu đã hết tác dụng. Đối với thị trường chứng khoán, đó là dạng "bong bóng" cổ điển, — ông Alexander Apokin nói. Kể từ tháng Giêng đã có sự tăng giá một cách phi lý. Trong nền kinh tế thực sự, điều đó sẽ có tác động chỉ khi nào cổ phiếu mất giá đáng kể trên bảng cân đối của các ngân hàng buộc họ phải giảm tín dụng của lĩnh vực thực tế, nhưng điều này là không thể "…
Về nhu cầu của Trung Quốc đối với nguyên liệu, đặc biệt là nhiên liệu năng lượng, kể cả nhập khẩu từ Nga, thì theo chuyên gia của chúng tôi, nhu cầu này không phụ thuộc vào sự năng động của thị trường chứng khoán và ít liên quan với tình hình kinh tế trong nước. Số lượng xe ô tô ở Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng lên, và thậm chí trong bối cảnh nhịp độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, do đó nhu cầu về xăng dầu tiếp tục gia tăng. Điều hạn chế duy nhất là thiếu bể chứa, vì trong thời điểm giá dầu thấp, khắp nơi trên thế giới tàu chở dầu phải neo đậu tại các cảng.
Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc không phải là dấu hiệu thảm họa sắp xảy kinh tế trong nước, Phó giám đốc "Trung tâm phát triển" của Viện kinh tế cao cấp Valery Mironov nói. Cơ quan tài chính Trung Quốc có đủ nguồn lực và tiềm năng để giảm căng thẳng trong khu vực ngân hàng. Cuộc khủng hoảng 2007-2009 ở Trung Quốc khiến thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, nhưng đất nước đã trải qua giai đoạn này một cách an toàn. Sự sụt giảm chỉ số thị trường chứng khoán, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, điều đó bắt đầu từ năm ngoái, khi mức tăng trưởng là 7,4% — thấp nhất trong 15 năm qua. Trong năm 2015 con số đó sẽ còn thấp hơn nữa.