Đảo Okinawa chỉ chiếm 0,6% diện tích lãnh thổ Nhật Bản, nhưng tại đây bố trí 74% các chủ thể quân sự Mỹ và hơn một nửa tổng số lực lượng binh sĩ Mỹ tại Nhật Bản. Gần 1/5 không gian trên đảo Okinawa là căn cứ, sân bay, thao trường huấn luyện-đào tạo của Mỹ.
Một trong những căn cứ khét tiếng nhất là "Futenma", nằm ở trung tâm Ginnovana, xung quanh dày đặc nhà cửa và cơ sở dân sự như trường học, bệnh viện. Phi cơ quân sự và máy bay trực thăng từ các sân bay của căn cứ bay ngay trên đầu người dân địa phương, liên tục đe dọa sự an toàn của mọi người.
Tháng Tám năm 2004, một chiếc trực thăng Mỹ CH-53D từ phi trường quân sự đã rơi thẳng xuống Đại học Tổng hợp quốc tế Okinawa ngay bên cạnh đường. Theo số liệu mà hãng tin RIA Novosti được chính quyền tỉnh Okinawa cung cấp, tổng cộng tại căn cứ "Futenma" đã xảy ra 8 vụ tai nạn máy bay trực thăng và 7 vụ với phi cơ quân sự, vì vậy sân bay quân sự Mỹ bố trí trong khu dân cư đông đúc bị xem là chủ thể quân sự nguy hiểm nhất trên Trái đất.
Cư dân Okinawa và Thống đốc địa phương muốn căn cứ "Futema" dời khỏi hòn đảo. Người Mỹ và chính phủ Nhật Bản đã ấn định điểm điều chuyển là Henoko. Quả thực gần đây việc xây cất tại căn cứ mới đã hoãn lại một tháng. Nhưng ngày 10 tháng Chín mọi hoạt động có thể nối lại. Theo dữ liệu của truyền thông Nhật Bản, để đền bù cho sự bất tiện mà cư dân địa phương phải chịu, Tokyo hứa hẹn phân bổ cho phát triển kinh tế của Okinawa trong năm tài chính 2016 khoảng 2,5 tỷ USD. Thế nhưng người Okinawa không tán thành động thái như vậy.
"Các cư dân không chỉ ở Okinawa, mà cả từ các khu vực khác của Nhật Bản đều khắc vào tâm trí họ hình mẫu của một chính phủ không muốn nghe và phớt lờ quan điểm của những người phản đối. Chính phủ hiểu rằng uy tín của nội các đang suy giảm mạnh, và có lẽ họ cố gắng xoay xở tìm cách thay đổi diện mạo chính quyền, cố chứng tỏ rằng nhà chức trách biết lắng nghe ý kiến của dân Okinawa", — ông Fukumoto Daisuke chuyên trách đề tài căn cứ quân sự của tòa soạn báo sở tại "Okinawa Times" phát biểu với phóng viên RIA Novosti như vậy.
"Okinawa không thấy hòa bình thiếu chiến tranh, không thấy nền hòa bình thiếu căn cứ quân sự", - cụ Yoshiko Uema 70 tuổi thành viên phong trào chống chiến tranh nói với phóng viên RIA Novosti. Theo lời cụ bà này, khi kiến thiết căn cứ "Futenma", chính quyền sở tại chỉ đơn giản là xua các cư dân ra khỏi đất đai của họ.
"Căn cứ quân sự là cái gì? Đó là địa điểm dành cho chiến tranh. Xây dựng căn cứ, để giết hại mọi người", — cụ nói và nhắc rằng từ Okinawa, máy bay Mỹ đã cất cánh đi giết chóc trong chiến tranh Việt Nam và sau đó là cuộc chiến ở Iraq.
Một đại biểu phản đối chiến tranh nữa là ông Dzoosiro Yasuko giải thích rằng cá nhân ông không chống lại hiện diện của lực lượng Mỹ ở Nhật Bản, bởi vì bản thân Nhật Bản không đủ khả năng tự bảo vệ, nhưng ông và những người cùng tư tưởng chống lại gánh nặng quá mức mà chính quyền dồn lên vai dân Okinawa trong công việc bảo vệ an ninh của cả nước.
"Là một người Nhật, tôi nghĩ chúng tôi cần chia sẻ một phần gánh nặng, nhưng bây giờ hóa ra là quá lớn….Thời gian đã làm người dân Nhật Bản thay đổi, đa số không muốn chiến đấu vì đất nước mình. Vì thế, rất khó tạo lập lực lượng vũ trang, thay vào đó chỉ có Lực lượng Phòng vệ. Cứ để quốc gia lớn như Hoa Kỳ chiến đấu vì nước Nhật, — ông Dzoosiro Yasuko nhận xét.