Sự kiện lập tức được các chính trị gia hàng đầu không ngừng đề cập, nhiệt tình hơn hết là các công ty dược phẩm. Báo động toàn cầu như vậy liệu có lợi cho ai? Quan sát viên Vladimir Ardayev, hãng thông tấn quốc tế "Rossia Segodnya" đã đặt câu hỏi này.
Ông viết, Ebola cướp đi mạng sống của hơn 11 nghìn người trong một năm qua, nhưng nhìn chung bệnh dịch không vượt ra khỏi ranh giới quê hương tức vùng Tây Phi. Bên ngoài Guinea, Sierra Leone và Liberia, rất hiếm gặp các ca sốt Ebola, đồng thời nguồn gốc bệnh chỉ là virus "nhập" từ khu vực dịch bệnh và hiến khi dẫn tới tử vong.
Không như chính căn bệnh, không khí hoang mang đã nhanh chóng bao trùm thế giới, đặc biệt nhờ nỗ lực của các nhà làm chính trị. Tháng Chín năm 2014, ông Barack Obama đã công bố "cuộc chiến với Ebola" và tiếp đến, Tổng thống Mỹ gọi virus này là mối đe dọa lớn của nhân loại. Dĩ nhiên, báo động trên thế giới đã đóng góp vai trò tích cực. Quân đội Mỹ xây dựng bệnh viện ở những nước bị dịch bệnh ảnh hưởng, các bác sĩ và hàng viện trợ đến từ khắp nơi. Nhóm các cán bộ y tế Nga cũng đang làm việc ở châu Phi. Năm nay tình hình dịch bệnh đã được cải thiện, các số liệu thống kê về truyền nhiễm và tử vong do Ebola bắt đầu giảm.
Virus Ebola được đặt theo tên gọi một con sông, lần đầu tiên được khoa học ghi nhận vào năm 1976 tại Sudan và khu vực biên giới Zaire (nay là Cộng hòa Dân chủ Congo). Vài năm một lần, bệnh lại xuất hiện trong khu vực với con số vài chục ca tử vong. Dịch bệnh xảy ra năm 2014 có qui mô lớn nhất, không những bao trùm ba nước ở Tây Phi mà thâm nhập cả các lãnh thổ Nigeria, Senegal, Mali. Nhưng điều làm thế giới hoảng sợ hơn hết là việc phát hiện trường hợp nhiễm Ebola (hoặc có khả nghi bị nhiễm) ở các lục địa khác — Tây Ban Nha, Mỹ, Anh, Đức, Canada. Tất cả các trường hợp đều do người bệnh trực tiếp mang virus từ châu Phi về nước.
Nhà khoa học Nga Vladimir Nikiforov tin rằng, coi Ebola như hiểm họa của nhân loại là điều hoàn toàn phi lý. Đó là một căn bệnh mang tính cục bộ khó thể lọt ra ngoài Tây Phi. Bệnh tồn tại ở đây hàng thế kỷ và chỉ tập trung trong khu vực. Virus có thể lạc sang châu Âu hay châu Mỹ, nhưng những nơi này không hội tụ đủ yếu tố điều kiện về thiên nhiên, khí hậu, môi trường động thực vật cho phép Ebola lây lan rộng rãi. Bởi vậy, Ebola không thể là mối đe dọa toàn cầu, — giáo sư cho biết.
Thậm chí, ở khu vực trung tâm của bệnh dịch quy mô của thảm họa Ebola vẫn chưa thể sánh với hàng loạt hậu quả bệnh truyền nhiễm khác. Ví dụ, chỉ riêng số ca tử vong ở Nga do AIDS đã lớn hơn 15 lần so với số người chết vì Ebola trên toàn cầu.
"Báo động ầm ĩ về Ebola hoàn toàn có thể chứa đựng những lý do kinh tế. Trong mỗi bi kịch đều có kẻ đau khổ và người được lợi. Đối tượng hưởng lợi từ nỗi hoảng sợ về bệnh truyền nhiễm thường là các công ty sản xuất dược phẩm. Sơ đồ kinh doanh không có gì khó hiểu:… Trước hết gây hoang mang dao động, tiếp đến là tăng giá. Ở đây cũng vậy," — Vladimir Nikiforov cho biết.
Giáo sư William Engdahl Đại học Princeton cũng đề cập điều này. Ông lưu ý rằng, các bác sĩ Mỹ sử dụng phương pháp thử nghiệm chưa thực hoàn hảo để chẩn đoán Ebola. Tính tương đối của xét nghiệm dẫn đến thực tế trong số nạn nhân Ebola ở Tây Phi có thể có người chết bởi căn bệnh khác với triệu chứng tương tự. Nhưng người ta tránh đề cập điều này, nhằm đảm bảo các đơn đặt hàng vắc xin cho giới sản xuất dược phẩm. Nhà khoa học Mỹ đã nhắc đến trường hợp dịch cúm lợn năm 2009 trên thế giới, cũng từng được gọi là "mối đe dọa cho nhân loại."
… "Chúng ta đã chết bao nhiêu lần? Cúm lợn, cúm gia cầm, đến bệnh bò điên… Nhưng chưa lần nào xảy ra đại dịch. Với Ebola lúc này cũng vậy. Thậm chí cả với coronavirus, đây cũng là một bệnh dịch địa phương thuộc địa bàn Trung Đông và một phần nào đó có Hàn Quốc. Nhưng nhờ thế mà có những người sẽ luôn trúng thưởng," — giáo sư người Nga nhận xét.