Trong thực tế, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc đã ngừng cuộc tuyên truyền xuyên biên giới kể từ đầu những năm 2000, trong quá trình cải thiện triệt để các mối quan hệ liên Triều trong giai đoạn đảng Dân chủ nắm quyền ở Seoul.
Khi phe bảo thủ trở lại Nhà Xanh năm 2008, quan hệ với Bắc Triều Tiên lại trở nên xấu đi rõ rệt. Thật ra mà nói, bà Park Geun-hye đã nhiều lần nói về mong muốn để cải thiện quan hệ giữa hai miền. Vì vậy quyết định của Seoul tiếp tục cuộc tuyên truyền có thể nói là khó hiểu.
Ông Georgy Toloraya, người phụ trách chương trình Triều Tiên của Viện Kinh tế liên kết động thái này với việc bà Park Geun-hye chuẩn bị đến thăm Bắc Kinh:
“Hàn Quốc lại một lần nữa làm tổn thương Bắc Triều Tiên, buộc Trung Quốc một lần nữa đứng trước vấn đề về hành vi của Bắc Triều Tiên và yêu cầu Bắc Kinh gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Tại thời điểm này, điều đó đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cuộc đấu pháo giữa hai miền Triều Tiên, khi quân đội Hàn Quốc được đặt trong tình trạng báo động. Thực tế này sẽ được phía Hàn Quốc sử dụng để lôi kéo Bắc Kinh về phía mình và dùng hỗ trợ của Bắc Kinh để kêu gọi Bắc Triều Tiên trở lại trật tự.”
Phải nói rằng đây là một chiến thuật nguy hiểm, một lần nữa đặt hai miền Triều Tiên trên bờ vực chiến tranh. Theo yêu cầu của "Sputnik", chuyên gia quân sự Nga nổi tiếng Vasily Kashin đánh giá tình hình như sau:
“Xung đột vũ trang địa phương, quy mô nhỏ trên bán đảo Triều Tiên diễn ra thường xuyên. Thông thường, đó là một số cuộc đấu pháo nhỏ hoặc va chạm giữa tàu chiến của hai bên trong khu vực biên giới. Nếu có điều gì đó lớn hơn thế, có thể là do lỗi của người thực hiện của một trong hai bên trong khu vực này, hoặc là tai nạn thực sự ngẫu nhiên, bởi vì các vị lãnh đạo chính trị của miền Bắc và miền Nam không thể đưa ra mệnh lệnh đối với bất kỳ hoạt động quân sự đáng kể nào đó.”
Tuy nhiên, Kim Jong-un đã ra lệnh cho quân Bắc Triều Tiên ở biên giới sẵn sàng trong tình trạng báo động cao. Điều đó sẽ dẫn đến việc gì? Ông Kashin nói:
“Đối với miền Bắc điều đó là thực tế bình thường. Mệnh lệnh của Kim Jong-un đưa quân đội vào trạng báo động cao đã từng được đưa ra trong quá khứ. Đối với Bắc Triều Tiên, điều đó tương tự như khi các nước khác bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ ở cấp độ ngoại giao. Tôi không nghĩ rằng có thể nghiêm túc coi đây là việc tiến hành một hoạt động quân sự lớn nào đó. Kim Jong-un hiểu rằng nếu trong xung đột địa phương ông ta có cơ hội để giành chiến thắng, thì trong trường hợp xung đột nghiêm trọng, ông ta sẽ thua.
Tôi cho rằng một cuộc xung đột lớn sẽ là thảm họa cho toàn bộ khu vực và đặc biệt là cho vùng Viễn Đông của Nga. Bắc Triều Tiên không có lực lượng không quân, và các đơn vị lục quân cũng không phải trong tình trạng tốt nhất, nhưng có một nhóm lớn pháo binh ở phía Bắc khu phi quân sự và một số lượng lớn tên lửa đạn đạo.
Chỉ còn biết hy vọng là nếu như mọi người đều biết rằng một cuộc xung đột quy mô lớn trên bán đảo Triều Tiên sẽ là thảm họa cho tất cả, các bên sẽ khôn ngoan để điều này không xảy ra.
Cần lưu ý rằng hiện tại điều hy vọng có vẻ khá mờ nhạt. Nếu Seoul không muốn khiêu khích Bình Nhưỡng, họ tuyên bố nối lại cuộc tuyên truyền chống Triều Tiên vì mục đích gì?