Đề án thành công nhất cho đến nay, được đưa vào phục vụ trong lực lượng vũ trang Ấn Độ, là tên lửa hành trình siêu thanh "BrahMos". Tại Triển lãm MAKS-2015, Tổng Giám đốc xí nghiệp liên doanh Nga-Ấn “BrahMos Aerospace” thành lập năm 1998, ông Sudhir Mishra đã kể với đại diện RIA Novosti về thực trạng của đề án hiện đại "BrahMos".
“Tên lửa và bệ phóng đều đã sẵn sàng. Tập đoàn HAL đã hiện đại hóa chiến đấu cơ đa năng đầu tiên Su-30MKI và tích hợp bộ phận phóng với máy bay tiêm kích. Gần đây, chúng tôi đã tiến hành những chuyến bay đầu tiên với bệ phóng và tất cả diễn ra tốt đẹp. Hiện nay đang nghiên cứu các thông tin thu thập được, và rất hy vọng là đợt thử nghiệm lần chót với bệ phóng tên lửa từ máy bay sẽ tiến hành thường xuyên vào đầu năm 2016.
Việc tích hợp tên lửa "BrahMos" với Su-30MKI sẽ trao cho Không lực Ấn Độ thứ vũ khí tầm xa đáng gờm – bởi Su-30 có thể bay và tiếp nhiên liệu trên không ở khoảng cách 3.000 km, còn phạm vi rộng lớn của "BrahMos" cho phép phóng tên lửa từ cự ly an toàn, mà không khiến bản thân chiếc chiến đấu cơ lọt vào vùng tấn công.
Tên lửa "BrahMos" còn thích hợp hoàn hảo với vai trò vũ khí tấn công chính của tàu ngầm. Chúng tôi đang trông đợi rằng trong thời gian gần tới chính phủ nước tôi sẽ sớm công bố mở đấu thầu về vũ khí tấn công dành cho tàu ngầm R-75I. Hy vọng rằng hệ thống tên lửa của chúng tôi sẽ là lựa chọn tiềm năng tốt nhất cho các tàu ngầm mới mà Hải quân Ấn Độ dự kiến mua sắm.
Ngoài ra, chúng tôi chờ đợi là tên lửa "BrahMos" sẽ được lắp đặt trên các chiến hạm được chế tạo dành cho Hải quân Nga. Điều này, tất nhiên, sẽ làm tăng khả năng xuất khẩu của tàu lớp này của các nước bạn bè thứ ba. Phương án hai lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới sẽ sở hữu cùng một lớp hệ thống vũ khí như nhau chắc chắn sẽ làm cho đề án l1135.6 trở thành lựa chọn thú vị về vũ khí cho các nước khác của khu vực Đông Nam Á hiện đang duy trì quan hệ thân thiện với cả Ấn Độ và Nga”.
Xin nói thêm là hiện nay các công việc nghiên cứu về dự án chế tạo tên lửa siêu-siêu thanh "BrahMos" đang được xúc tiến ở Ấn Độ — tại Viện Khoa học Ấn Độ, và cả ở Nga — tại Đại học Hàng không Matxcơva (MAI). Tên lửa mới này được nghĩ tới như là một thể loại vũ khí có tính cách mạng, đủ sức bay với vận tốc siêu nhanh. Cấu hình chính xác của hệ thống tân kỳ này hiện chưa phân định, việc chế tạo nguyên mẫu tên lửa siêu-siêu thanh "BrahMos" có thể mất khoảng 6-7 năm.