Tuy nhiên, một nhóm người Nga đến thăm nơi này có vẻ khác hơn với tất cả những người say mê di tích cổ đại. Khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những ngôi tháp cổ, họ đặc biệt quan tâm đến những viên gạch của tháp.
Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Những người Nga đã tới Mỹ Sơn không phải là khách du lịch, mà là các nhà nghiên cứu. Theo sáng kiến của giáo sư gốc Việt trường Đại học năng lượng Moskva (MEI) Nguyễn Quốc Sỹ, họ đã tổ chức nhóm phát triển phương pháp bảo quản di tích Tháp Chàm. Giáo sư MEI Sergei Nefedkin nói:
"Một ngàn năm qua khu Thánh địa này nằm dưới sự ảnh hưởng có hại của ngoại cảnh. Độ ẩm và bức xạ mặt trời ở đây rất cao. Vật liệu xây dựng xốp đã trở thành một loại bọt biển, tương tự như thứ được sử dụng để rửa chén bát. Độ ẩm thâm nhập vào những viên gạch, và khi nhiệt độ thay đổi thì bốc hơi mang theo một số khoáng chất từ các viên gạch đó. Quá trình này dẫn đến một sự thay đổi về các tính chất cơ học của gạch, với sự xuất hiện của các vết nứt trên chúng. Những vết nứt lan rộng ra, lại tiếp xúc nhiều hơn với những tác động sinh học như mọc cây trên tháp, rễ của chúng gây tổn hại thêm cho các vật liệu xây dựng cổ đại."
Theo giáo sư Nga, những người xây dựng cổ đại đã có trình độ tay nghề rất cao. Ví dụ, các viên gạch của tháp được xếp chặt với nhau đến mức mà ngay cả hiện nay cũng nay cũng gần như không thể nhìn thấy các khe phân chia giữa chúng. Khoa học vẫn chưa xác định được các nhà xây dựng dùng chất keo gì để kết nối các viên gạch. Cho đến nay, mới chỉ phát hiện ra rằng thành phần của nó tương tự như chất keo mà ngư dân địa phương sử dụng để dán tàu thuyền của mình.
Vấn đề bảo tồn tháp Chàm ở Thánh địa Mỹ Sơn không phải là mới. Các nhà khoa học Việt Nam, Ba Lan và Italy đã từng nghiên cứu vấn đề này. Họ đưa ra các phương pháp tiếp cận khác nhau. Chẳng hạn, người Italy tìm cách không chỉ để phát triển phương pháp bảo quản, mà còn muốn phục chế lại ngôi đền. Họ đã cố gắng tái tạo lại một trong những bức tường đổ nát bằng loại gạch chế từ đất sét địa phương. Nhưng điều đó hóa ra không phải là dễ dàng như họ nghĩ và họ thu được không nhiều thành công cho lắm.
Phương pháp tiếp cận của nhóm các nhà khoa học Nga là gì? Giáo sư Nefedkin nói tiếp:
"Chúng tôi đề xuất công nghệ bảo vệ. Trước hết, cần phải cẩn thận làm sạch bề mặt để các ngọn tháp xuất hiện trong vẻ ban đầu. Sau đó phủ lên bề mặt của chúng một màng mỏng trong suốt. Màng mỏng này từng được sử dụng, trong lĩnh vực năng lượng chẳng hạn, để bảo vệ thiết bị khỏi bị ăn mòn."
Không hề làm thay đổi diện mạo bên ngoài của tháp, màng mỏng này mang lại cho nó một chất lượng độc đáo. Giọt nước, hơi ẩm ngưng tụ trôi xuống trên lớp màng mỏng này mà không để lại dấu vết nào. Nhưng điều chính là hạn chế tác động của nước trên vật liệu xây dựng xốp. Quan trọng nhất là phải chọn các thành phần hóa học lớp màng, phù hợp nhất với những viên gạch của tháp cổ.
Trong một hội nghị được tổ chức tại Đà Nẵng, giáo sư Nefedkin chứng minh cho các đồng nghiệp Việt Nam thấy đặc tính của màng mỏng này trên mẫu gạch cổ. Những người tham gia thông qua phương pháp của Nga để cứu những tòa tháp trong Thánh địa Mỹ Sơn.