Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrei Denisov cho biết tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào ngày 27 tháng 8: "Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện những biện pháp khẩn cấp có hiệu quả nhất định, góp phần làm ổn định thị trường." Nhà ngoại giao bày tỏ hy vọng rằng, các đối tác Trung Quốc sẽ sớm vượt qua được khủng hoảng.
Moskva đã có phản ứng chính thức trước việc chứng khoán Trung Quốc sập sàn ngay sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đổ gần 22 tỷ đô la vào hệ thống tài chính đất nước qua các công cụ điều chỉnh ngắn hạn.
Chuyên gia Nikita Maslennikov, Viện nghiên cứu Phát triển đương đại đã chia sẻ đánh giá của ông như sau:
"Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cung cấp thông tin rất rõ ràng và nêu thực chất diễn biến. Ở đây mọi cái đều công khai, giống như cần phải có trong thế giới tài chính lớn. Tuy nhiên, loạt rủi ro còn tồn tại. Gốc rễ của tình huống phát sinh là sự mất cân đối trong hệ thống tài chính Trung Quốc, tỷ lệ không nhỏ các ngân hàng "đen", những khoản nợ lớn của chính quyền địa phương. Trong những tháng tới, Trung Quốc phải thực hiện kế hoạch cải cách cơ cấu như đã công bố. Rõ ràng, nên bắt đầu với hiện đại hóa ngành tài chính — cả thị trường chứng khoán lẫn các nguyên tắc xây dựng ngân sách. Tâm trạng của giới đầu tư và người tham gia kinh doanh đối với các sàn chứng khoán Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc có chứng tỏ được khả năng đối phó và giải quyết các vấn đề."
Trong khi đó, phương Tây muốn áp đặt Trung Quốc công thức của họ trước tình huống phức tạp trên thị trường chứng khoán. Chuyên gia Viện IMEMO, ông Alexander Salitsky nhận định rằng, ít nhất đó cũng là điều vô dụng:
"Điều không muốn nhất trong tình huống này là cho phép ai đấy gây áp lực với Trung Quốc từ bên ngoài. Trung Quốc là một nền kinh tế khổng lồ với những quy tắc điều phối đặc biệt. Vì vậy, dùng mô hình phương Tây để tháo gỡ khó khăn là hết sức vô lý."
Trong khi đấy, một hội thảo chuyên đề của Hệ thống Dự trữ Liên bang Mỹ với các ngân hàng quốc gia hàng đầu trên thế giới đã khai mạc tại Jackson Hole (Mỹ) vào ngày 27 tháng 8. Các chuyên gia không loại trừ khả năng ngày thứ Bảy, Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Stanley Fischer sẽ làm sáng tỏ sự tăng lãi suất chuẩn như được dự kiến. Quyết định này sẽ không tránh khỏi tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán toàn cầu. Với tình trạng nền kinh tế Mỹ hiện nay và tình hình các thị trường chứng khoán, tăng chỉ số lãi suất sẽ dẫn đến sự phá giá tiền tệ mới, sập sàn chứng khoán, thất thoát vốn. Cuối cùng, giáng đòn vào chính Hoa Kỳ.
Các chuyên gia hy vọng tiếp xúc giữa Cục Dự trữ Liên bang và các ngân hàng hàng đầu trên thế giới sẽ giúp Mỹ điều chỉnh quyết định, tránh những bước hành động vội vàng.