Ngày 3 tháng Chín 1951, trong trận công đồn, nhóm chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thu được chiến lợi phẩm độc đáo là một chiếc máy thu thanh. Anh chiến sĩ Ngô Thi dùng tay xoay mấy chiếc núm và chợt nghe vang lên lời mở đầu bằng tiếng Việt: "Đây là đài Matxcơva!". Theo sự phân công của chỉ huy đơn vị, chiến sĩ trực ban có nhiệm vụ quay pê-đal của chiếc xe đạp được chuyển đổi thành máy phát điện thô sơ để có thể nghe chương trình phát thanh từ Matxcơva rồi sau đó truyền đạt lại cho tất cả các chiến sĩ. Ông Ngô Thi từng là một trong những trực ban như vậy.
Câu chuyện này phóng viên Nga Aleksei Lensov được nghe ông Ngô Thi kể lại vào nhiều năm sau đó, khi ông công tác trong Ban Biên tập báo "Nhân Dân". Tiện đây phải nói luôn rằng, trong số những chức năng của tòa soạn báo này có khâu ghi tốc ký chương trình phát thanh tiếng Việt của Đài phát thanh Matxcơva. Nhà báo Nga rất vui mừng vì như vậy ông Ngô Thi đã là thính giả đầu tiên của đài chúng tôi. Chính vào ngày 03 tháng Chín năm 1951 trên làn sóng điện thế giới lần đầu tiên vang lên buổi phát thanh bằng tiếng Việt trực tiếp từ Matxcơva. Quả thực hồi đó đài dùng nhạc hiệu khác. Tên gọi thời ấy cũng khác — là Đài phát thanh Matxcơva. Thế nhưng bản chất công việc không thay đổi: 64 năm trước, Nga và Việt Nam đã được kết nối bằng sợi chỉ đỏ thắm gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau — đó là làn sóng phát thanh.
Cần nhớ rằng đó là vào thời gian nào. Năm 1951 — đất nước Xô-viết kỷ niệm sáu năm mốc Chiến thắng phát-xít Đức và quân phiệt Nhật Bản. Chỉ chưa đầy hai năm sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao Liên Xô-Việt Nam. Nhóm sinh viên người Việt đầu tiên được gửi đến Matxcơva theo học. Quân đội Nhân dân Việt Nam bắt đầu nhận hỗ trợ kỹ thuật-quân sự, còn cư dân vùng giải phóng Việt Nam nhận hàng nhân đạo từ Liên bang Xô-viết. Và đến thời điểm này, đã thêm vào cả sự ủng hộ quí báu về tinh thần, thông qua các chương trình phát thanh.
Còn trong thời gian cuộc kháng chiến thứ hai của quân dân Việt Nam chống xâm lược, thì một trong những thính giả của đài chúng tôi là vị Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam hiện nay, ông Trương Tấn Sang. Chủ tịch Việt Nam đã kể với nhà báo Nga về chuyện này vài năm trước, khi ông Trương Tấn Sang tiến hành chuyến thăm chính thức đến Nga.
Phải nói thêm rằng ông Trương Tấn Sang không phải là vị lãnh đạo Việt Nam cao cấp duy nhất đã trả lời phỏng vấn của Ban Việt ngữ thuộc đài phát thanh Nga. Vào những thời điểm khác nhau, máy thu âm của đài Nga từng được ghi lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các ông Võ Nguyên Giáp và Lê Đức Anh, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười…Còn ông Tôn Đức Thắng là người đầu tiên đã nhắc tới phần tham gia của một nhóm chiến sĩ Hồng quân gốc Việt trong chiến dịch bảo vệ Matxcơva trước đòn tấn công điên cuồng của phát-xít Đức Quốc xã. Từ nhắc nhở của ông Tôn Đức Thắng, đã khởi đầu hoạt động nhiều năm mà đài chúng tôi tiến hành để tìm kiếm xác minh công lao của những anh hùng Hồng quân người Việt.
Nhà ngoại giao Phạm Xuân Sơn nghe những chương trình phát thanh từ Matxcơva khi còn là cậu bé học trò 11 tuổi. Trong nhiệm kỳ Đại sứ Việt Nam tại Nga, ông Phạm Xuân Sơn đã trả lời phỏng vấn của đài chúng tôi.
Các bạn thân mến, nhân dịp kỷ niệm mốc 64 năm phát thanh tiếng Việt, tập thể các biên tập và kỹ thuật viên-nhà báo-phát thanh viên ở Matxcơva xin chân thành cảm ơn các thính giả và độc giả truy cập trang điện tử tiếng Việt của đài "Sputnik" hiện nay.