Đó là tuyên bố của người đứng đầu Cục Đối ngoại thuộc BCH Trung ương đảng Cộng sản Vương Gia Kỳ. Ông Vương tham gia hội nghị quốc tế "Đảng Cộng sản Trung Quốc đối thoại với thế giới —2015" tại Bắc Kinh.
Sau khi ông Tập Cận Bình lên giữ chức vụ Chủ tịch Trung Quốc, các quan chức cấp cao của nước này nhiều lần tuyên bố rằng đảng Cộng sản sẽ "thể hiện thái độ không khoan nhượng" với tham nhũng. Trong đó, theo lời của đích thân ông Tập, "sự tồn vong của Đảng và Nhà nước tùy thuộc vào kết quả của chiến dịch chống tham nhũng".
Tuyên bố của ông Vương Gia Kỳ liên quan đến chủ đề xuất hiện thường xuyên hầu như mỗi ngày trên bình diện thông tin Trung Quốc. Tuy vậy phát biểu của ông Vương vẫn lôi cuốn sự chú ý của giới quan sát viên. Từ ý kiến của người đứng đầu Cục Đối ngoại của Trung ương đảng Cộng sản, cần hiểu rằng bất kể hàng loạt vụ phanh phui tội lỗi của các quan chức thượng tầng Chính phủ, cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc vẫn được duy trì và nhắm trúng đích. Phát biểu của ông Vương tại diễn đàn với sự tham gia của đông đảo chuyên viên và nhà báo nước ngoài còn nhấn mạnh rằng Trung Quốc quan tâm mở rộng hợp tác quốc tế rộng rãi trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Cụ thể, ban lãnh đạo đất nước này hy vọng nhận được sự hỗ trợ để thu hồi những tài sản bị đưa ra nước ngoài cũng như dẫn độ về nước những đối tượng tham nhũng đào tẩu trốn tránh pháp luật.
Bài phát biểu của người đứng đầu cơ quan đối ngoại thuộc BCH Trung ương đảng Cộng sản được các phương tiện truyền thông Trung Quốc phát tán rộng rãi, một lần nữa truyền tải ý tưởng rằng đảng cầm quyền hoàn toàn nhận thức rõ sự nguy hiểm của tham nhũng và quyết tâm tiếp tục đấu tranh ở tất cả các cấp.
Quả thực, sự gắn kết của doanh nghiệp và chính quyền trong điều kiện hiện đại có thể trở thành yếu tố ngăn cản đà phát triển kinh tế. Đặc biệt nguy hiểm khi các quan chức tham nhũng theo đuổi lợi ích cá nhân dẫn đến phá hoại niềm tin của nhân dân vào chính quyền. Sự thao túng của các đối tượng tham nhũng trong đảng cầm quyền (bất kỳ đảng nào cũng vậy, chứ không chỉ riêng đảng Cộng sản) cũng làm phát sinh cuộc khủng hoảng về quản lý-điều hành đất nước.
Có thể thấy ban lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm xuất phát từ nhận thức rằng nếu không thanh lọc những phần tử tha hóa, thì đảng Cộng sản Trung Quốc bị đặt trước nguy cơ đánh mất tính hợp pháp, còn đất nước đối mặt với những chấn động xã hội khó lường. Vì thế, đấu tranh chống tham nhũng, khắc phục ảnh hưởng từ những trường hợp tha hóa và mất định hướng trong tầng lớp tinh hoa chính trị Trung Quốc đã trở thành "cốt lõi" trong chính sách nội bộ của ê-kip Tập Cận Bình.