Thực tế cho thấy, bất chấp những xung khắc nổi cộm giữa Seoul và Tokyo về quá khứ quân phiệt Nhật Bản, những vấn đề lãnh thổ chưa được giải quyết, Hoa Kỳ vẫn đang bằng mọi cách đẩy hai nước đồng minh ở khu vực xích lại gần nhau trong hợp tác quân sự. Một tác nhân nữa cần nhắc tới là các sự kiện xảy ra gần đây trên bán đảo Triều Tiên kéo theo gia tăng căng thẳng giữa hai nước trên bán đảo.
Ông Georgy Toloraya, phụ trách các chương trình về Hàn Quốc Học viện Kinh tế Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã chia sẻ với đài Sputnik nhận định:
"Người Mỹ vẫn lợi dụng mọi tình tiết căng thẳng như vậy để gia tăng vũ trang trong khu vực. Hiện nay, các máy bay ném bom chiến lược và tàu sân bay Mỹ đã được điều đến Hàn Quốc. Hoa Kỳ còn vin vào tình hình trên bán đảo để thúc ép Hàn Quốc tham gia định dạng hợp tác quốc phòng ba bên. Nhưng quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản vô cùng phức tạp. Thêm vào đó, việc Thủ tướng Abe lên nắm quyền với một chương trình hành động mang đậm tính dân tộc chủ nghĩa càng làm cho tình hình thêm căng thẳng. Chỉ cần nhắc là bà Park Geun-hye và ông Shinzo Abe chưa hề có cuộc tiếp xúc riêng nào trong vài năm qua. Còn chuyện Thủ tướng Hàn Quốc dự cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng quân phiệt Nhật tại Bắc Kinh đã lập tức được báo chí Nhật Bản làm rùm beng, thậm chí đòi người Mỹ ngăn chặn sự hình thành của… liên minh Trung-Hàn."
Quan hệ giữa Seoul và Tokyo vẫn luôn làm cho Washington nhức nhối. Trong bối cảnh này, thông báo tàu chiến Hàn Quốc tham dự cuộc điểm binh của Hải quân Nhật Bản cho thấy Hoa Kỳ đã thuyết phục được các đồng minh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương xích lại gần hơn. Tại sao điều này lại quan trọng với Washington? Ông Vladimir Yevseyev, chuyên gia quân sự Viện Nghiên cứu phương Đông phân tích:
"Trong điều kiện căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Hoa Kỳ càng dễ "đẩy" Hàn Quốc về phía sự hợp tác hạn chế với Nhật Bản. Hơn nữa, ahi bên sử dụng cùng một dạng vũ khí, chẳng hạn như hệ thống tên lửa phòng không Aegis. Nhật Bản đã có hệ thống này, còn Hàn Quốc dự kiến sẽ trang bị hệ thống THAD. Tuy nhiên, hợp tác quân sự giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tiếp tục mang tính hạn chế. Nhìn chung, tình hình này phần lớn được quyết định không bởi cuộc đối đầu Mỹ-Trung, mà là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Họ đã có một thị trường chung. Bất kỳ sự sụt giảm hợp tác kinh tế đều gây tổn thất nặng nề, trước hết là cho Hàn Quốc. Yếu tố kinh tế là trở ngại nghiêm trọng cho sự hợp tác quân sự của Seoul với Tokyo."