Giới chuyên viên cho rằng việc khởi đầu cuộc cải cách do yêu cầu hồi sinh khối quốc doanh gắn với tình trạng trì trệ suy thoái kinh tế lâu nay.
Thời điểm hiện nay trong phạm vi phụ trách của Ủy ban Quản lý và Kiểm soát tài sản CHND Trung Hoa có 111 công ty nhà nước. Theo tài liệu do BCH Trung ương đảng Cộng sản cùng với Quốc vụ viện công bố, chính quyền dự định hiện đại hóa các doanh nghiệp nhà nước, cải thiện khâu quản lý tài sản và tạo xung lực sáng tạo trong hình thức sở hữu hỗn hợp.
Vấn đề cải tổ doanh nghiệp nhà nước đã được thảo luận ngay từ tháng Chạp năm 2013 trong Hội nghị Trung ương đảng. Khi đó, tuy chưa ấn định thời hạn cụ thể, nhưng đã rõ là cải tổ doanh nghiệp nhà nước sẽ là một trong những hướng quan trọng trong chính sách đối nội mà ê-kip của ông Tập Cận Bình tiến hành. Đồng thời cũng chỉ rõ mục tiêu chính của cải cách: làm sao để doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn và theo định hướng lợi nhuận. Tức là sẽ trở nên giống doanh nghiệp tư nhân hơn.
Có thể thấy ngay rằng đây là công việc chẳng giản đơn, bởi nhiều công ty nhà nước đã trở thành kiểu "quốc gia trong quốc gia". Các chủ thể kinh tế mạnh thực tế đã vận hành với vị thế độc quyền. Làm thế nào để cải cách mà không khiến kinh tế sụp đổ? Câu hỏi hóc búa này khiến ban lãnh đạo chính trị cấp cao đau đầu hàng ngày.
Chú ý cơ bản thời gian gần đây được dành cho hoạt động bài trừ tham nhũng trong khối nhà nước. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi khó có thể ủy thác giao sự nghiệp cải cách vào tay những nhân vật đã quen thu nhận lợi ích lớn từ vị trí độc quyền trên thị trường. Không ngẫu nhiên mà những năm gần đây, nhiều nhà quản lý hàng đầu từ các công ty nhà nước Trung Quốc lại là đối tượng của cuộc điều tra chống tham nhũng.
Mặc dù bây giờ nói về việc thành lập các công ty theo hình thức sở hữu hỗn hợp và thu hút đầu tư tư nhân vào khối Nhà nước, nhưng trong kế hoạch của ban lãnh đạo Trung Quốc không dự trù tư nhân hóa 100%. Thời gian gần đây ở Trung Quốc người ta khảo cứu và viết nhiều về những sai lầm của lãnh đạo Nga khi tiến hành tư nhân hóa khu vực Nhà nước. Đáng lưu ý là nhận định, giả sử gặp cơn suy thoái kinh tế như từng hiện hữu ở Nga những năm 1990 thì Trung Quốc có lẽ không trụ nổi. Tuy giả thiết trên chỉ là tương đối nhưng vô tình hay hữu ý cũng cho thấy tâm thế của các nhà cải cách Trung Quốc.
Có thể là Trung Quốc sẽ sử dụng kinh nghiệm của Singapore về quản lý tài sản nhà nước. Trong mọi trường hợp, cải tổ sẽ là dần dần, và, như đã tuyên bố, những kết quả đầu tiên sẽ xuất hiện khoảng năm 2020. Để biến các công ty nhà nước thành các thành viên hoàn toàn độc lập tham gia thị trường, cần không chỉ nâng cao trình độ năng lực của nhóm quản lý tiên phong mà còn phải tăng hiệu quả và tính minh bạch của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Trung Quốc gửi gắm nhiều kỳ vọng to lớn vào công cuộc cải tổ doanh nghiệp nhà nước: các chuyên viên Chính phủ đã tính toán rằng chỉ riêng động thái này sẽ "thêm" chí ít 0,33% vào chỉ số tăng trưởng hàng năm. Trong điều kiện suy thoái hiện nay của nền kinh tế Trung Quốc, mức hiệu quả như vậy là những con số đầy ý nghĩa.