Washington không dám làm hỏng bầu không khí trong thời gian chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bởi vì mối quan hệ song phương vốn đã phức tạp. Các chuyên gia Nga đã nói lên ý kiến này trong cuộc phỏng vấn của đài Sputnik khi bình luận về thông tin của tờ "Washington Post" rằng, Hoa Kỳ đã thông qua quyết định hoãn lại các biện pháp trừng phạt Trung Quốc vì các cuộc tấn công mạng dữ dội bị nghi ngờ từ Bắc Kinh.
Hai tuần trước, tờ "Washington Post" đã đưa tin rằng, Washington chuẩn bị một gói các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có đối với các công ty và cá nhân Trung Quốc bị nghi hưởng lợi từ hành vi gián điệp kinh tế trong không gian mạng. Đáng lẽ, các biện pháp trừng phạt có thể được áp dụng trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình, để đến cuối tháng Chín bầu không khí bớt căng thẳng hơn một chút.
Song, ngay sau đó, một trong những nhân vật chính trị hàng đầu ở Trung Quốc — Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương Mạnh Kiến Trụ đã đến thăm Mỹ. Ông đã thảo luận các vấn đề an ninh mạng với các cố vấn an ninh của Tổng thống Barack Obama. Các phương tiện truyền thông Mỹ không đưa ra những chi tiết về cuộc gặp này. Trong một cuộc phỏng vấn với đài "Sputnik", chuyên gia Wang Xiaofeng từ Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Fudan (Thượng Hải) cho biết:
"Theo tôi, tại cuộc gặp đó, các chuyên gia Trung Quốc đã thảo luận chi tiết về nội dung này với các đồng nghiệp Mỹ. Nếu nói về việc Mỹ nghi ngờ các công ty Trung Quốc đứng đằng sau hàng loạt vụ tấn công các dữ liệu bí mật trong không gian mạng, thì theo tôi, trong trường hợp này, chúng ta không nên rút ra kết luận dựa trên những thông tin của báo giới. Chắc rằng, trong thời gian chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Mạnh Kiến Trụ, hai bên đã trao đổi ý kiến và thảo luận vấn đề này một cách toàn diện. Rất có thể là hai bên đã tổ chức cuộc đàm phán về các nội dung cụ thể có liên quan trực tiếp đến vấn đề gián điệp không gian mạng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi nghi ngờ đã được xóa bỏ và Hoa Kỳ không còn cáo buộc Trung Quốc tấn công mạng".
Có vẻ là ông Mạnh Kiến Trụ đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Hoa Kỳ sẽ không áp dụng bất kỳ lệnh trừng phạt trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình. Các phương tiện truyền thông Mỹ cho biết về điều đó dựa theo tin của các quan chức đã tham gia cuộc đàm phán với ông Mạnh Kiến Trụ.
Là sự trùng hợp ngẫu nhiên này hay không, nhưng, gần như cùng lúc xuất hiện bản tin về việc Mỹ hoãn lại các biện pháp trừng phạt, và thông tin chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về chuyến thăm nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Hoa Kỳ vào những ngày 22-25 tháng 9. Đối với Washington, điều quan trọng hơn là chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc so với khả năng giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh mạng với Trung Quốc thông qua việc áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Nhà phân tích chính trị Vladimir Yevseyev cho rằng, nguy cơ áp dụng các biện pháp trừng phạt là một yếu tố mặc cả. Bằng cách này Hoa Kỳ tìm cách ép Bắc Kinh phải nhượng bộ trong những vấn đề quan trọng đối với Mỹ. Từ quan điểm này, quyết định hoãn lại các biện pháp trừng phạt cũng là một phương pháp gây áp lực lên Trung Quốc. Tức là, nếu Trung Quốc không nhượng bộ, thì Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Lập trường của giới doanh nghiệp Mỹ cũng đã ảnh hưởng đến quyết định này. Các doanh nhiệp Mỹ hiểu được rằng, các biện pháp trừng phạt thể hiện chính sách thiển cận có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, và họ chờ đợi rằng, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ mang lại những hợp đồng mới. Như dự kiến, bên lề hội nghị thượng đỉnh, hai bên sẽ ký kết thỏa thuận về xuất khẩu lô hàng lớn đậu nành Mỹ sang Trung Quốc. Và công ty Boeing sẽ đàm phán với các đối tác Trung Quốc để xây dựng ở Trung Quốc nhà máy lắp ráp máy bay đầu tiên bên ngoài nước Mỹ.