Trước chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình, Washington đã cân nhắc áp đặt trừng phạt đối với Bắc Kinh — đối thủ trên mạng của Mỹ — vì Washington cho rằng, tin tặc Trung Quốc chịu trách nhiệm về các vụ tấn công mạng. Ông Obama gọi hành vi của tin tặc Trung Quốc là sự xâm nhập vào Hoa Kỳ. Washington đã xem xét khả năng trừng phạt các công ty và cá nhân của Trung Quốc có tiềm năng có thể được hưởng lợi từ các cuộc tấn công mạng.
Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt sẽ không được áp dụng. Đó là quyết định tạm thời. Theo "The New York Times", hai bên đang khẩn trương chuẩn bị một thỏa thuận về an ninh mạng. Văn kiện có thể được ký kết trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh vào những ngày 22-25 tháng 9. Song, đó chỉ là một thỏa hiệp tạm thời. Hai bên sẽ cam kết không tấn công mạng lẫn nhau trong thời bình. Tuy nhiên, theo "The New York Times", thỏa thuận này không liên quan đến các vụ xâm nhập mạng lưới máy tính của các cơ quan chính phủ và các tổ chức thương mại với mục đích gián điệp kinh tế. Mà theo dữ liệu của Hoa Kỳ, các vụ tấn công gián điệp kinh tế chiếm đa số trong các vụ xâm nhập không gian mạng từ lãnh thổ Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài “Sputnik”, chuyên gia Wang Xiaofeng từ Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Fudan (Thượng Hải) nói như sau: “Những chuyến viếng thăm lẫn nhau của lãnh đạo nhà nước là rất quan trọng đối với hai nước chúng tôi. Trung Quốc và Mỹ là hai cường quốc hùng mạnh, và các thỏa thuận song phương phục vụ lợi ích không chỉ hai nước mà còn toàn bộ cộng đồng thế giới. Trung Quốc có cách tiếp cận chân thành và công bằng nhằm giải quyết tất cả các vấn đề trong quan hệ với Mỹ. Vì thế, chúng tôi hy vọng rằng, tổng thống Mỹ cũng sẽ giữ lập trường như vậy. Tôi cho rằng, những hành động gián điệp không gian mạng không gây ra thiệt hại quá lớn cho Mỹ, trên thực tế thiệt hại là ít hơn nhiều so với số liệu trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, vấn đề này đã thu hút sự chú ý to lớn của dư luận, vì thế, tại cuộc gặp thượng đỉnh hai bên sẽ cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề để tình huống cáo buộc lẫn nhau không tái diễn nữa. Trong mọi trường hợp, bản thân việc thảo luận về vấn đề này là rất bổ ích, ngay cả khi từ cả hai bên vang lên những lời nói không phải là tốt đẹp nhất. Ngoài ra, hai bên có thể đạt thoả thuận về việc thành lập một cơ chế giúp giải quyết các tình huống khủng hoảng để tình hình không vượt ra ngoài tầm kiểm soát”.
Ngay trước chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình, Washington đã thực hiện thêm một "cử chỉ thiện chí". Mặc dù hai nước không có hiệp ước dẫn độ, Mỹ đã bắt và trả về Trung Quốc một người đàn ông nằm trong danh sách truy nã hàng đầu của Bắc Kinh. Người bị bắt là ông Yang Jinjun bị tình nghi tham nhũng và ăn hối lộ đã chạy trốn sang Mỹ từ năm 2011. Theo đánh giá của Cơ quan Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, quyết định dẫn độ một viên chức tham nhũng đánh dấu "tiến bộ quan trọng" trong sự hợp tác giữa cơ quan thực thi pháp luật của hai nước. Về phần mình, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Cheng Tszeguan đã tuyên bố rằng, Trung Quốc có bằng chứng xác đáng về tội tham nhũng của các viên chức trong danh sách truy nã hàng đầu. Tức là, phía Trung Quốc ám chỉ rằng, ông Tập Cận Bình sẽ đề cập đến chủ đề "săn cáo" trong cuộc đàm phán với Tổng thống Barack Obama, và ông coi đó là một trong những vấn đề cấp bách nhất trong quan hệ Trung-Mỹ.