Hội thảo về các vấn đề của Việt Nam và các mối quan hệ Nga-Việt tại Viện Viễn Đông được tổ chức mỗi năm một lần, năm nay là lần thứ sáu. Theo truyền thống, hội thảo năm nay có tính chất đại diện rộng rãi. Tham gia Hội thảo khoa học thực tiễn có hàng chục chuyên gia hàng đầu của Nga và Việt Nam từ các trung tâm nghiên cứu khoa học và cơ quan chính quyền của Matxcơva, St. Petersburg và Vladivostok, các đồng nghiệp Việt Nam của họ từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Giáo sư Sergei Luzyanin, Giám đốc Viện Viễn Đông, cho biết:
"Cơ sở đề xuất sáng kiến tổ chức các hội thảo khoa học về chủ đề Việt Nam là Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN được thành lập vào năm 2008. Đến nay, Trung tâm đã trở thành một kiểu ban tham mưu của ngành Việt Nam học, các chuyên gia trình độ cao đang làm việc ở đây. Trung tâm nhận được sự tôn trọng của các học giả và chính trị gia Việt Nam, sự công nhận của cộng đồng khoa học quốc tế. Nhiệm vụ chính của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam là thúc đẩy sự phát triển quan hệ đối tác Nga-Việt và sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố và tăng cường vị thế của Nga ở Việt Nam và toàn bộ khu vực Châu Á Thái Bình Dương".
Tại hội thảo đã giới thiệu 22 tham luận bao trùm hàng loạt vấn đề, phân tích những thành tựu kinh tế xã hội trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, những thành tựu của chính sách đa phương hoá, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của Việt Nam. Các đại biểu đã thảo luận về những rủi ro của mô hình kinh tế định hướng xuất khẩu trong quá trình phát triển Việt Nam, về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu vào sự chuyển đổi nhân khẩu và những quá trình xã hội trong nước. Có cả những tham luận về vai trò của phụ nữ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam và xu hướng phát triển ngành điện ảnh của Việt Nam, cũng như vấn đề những di dân người Việt tại Nga.
Tham gia Hội thảo có các đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, cũng như hai vị khách mời là ông Đoàn Xuân Thủy, Phó Giám đốc Viện Kinh tế Chính trị học và ông Hoàng Hùng Hải, Trưởng Ban Luật pháp và Quyền con người Viện Nghiên cứu Quyền con người thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Các vị khách Việt nam đã đánh giá cao kết quả hội thảo. Trong cuộc đàm đạo với phóng viên đài "Sputnik", ông Hoàng Hùng Hải cho biết, hội thảo đã tạo cơ hội cho sự phát triển quan hệ hữu nghị và quan hệ khoa học giữa hai nước. Ông rất chú ý theo dõi các tham luận của đồng nghiệp Nga và đồng ý với những kết luận của họ.
Các bản báo cáo của Hội thảo sẽ được xuất bản ở Matxcơva, và chắc là sẽ gây sự chú ý của những người quan tâm đến các vấn đề của Việt Nam và các mối quan hệ Nga-Việt, cũng như các tài liệu của các hội thảo trước.