Giả thuyết có nhiều cơ sở là một nghi phạm dùng hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt thuốc nổ và kẻ khủng bố khác — công dân Trung Quốc — đã kích hoạt khối chất nổ bằng điện thoại di động. Cuộc tấn công nhằm chống lại các du khách Trung Quốc và những người Hán di cư đến vùng này từ các nước láng giềng với Thái Lan.
Tướng Chakthip Chaijinda cho rằng, cảnh sát Thái Lan đã tập hợp được một lượng lớn bằng chứng về hành vi phạm tội của người nước ngoài. Vào tuần tới, hai công dân nước ngoài sẽ bị chính thức cáo buộc phạm tội khủng bố. Đó là công dân Thổ Nhĩ Kỳ Adem Karadag, người dân tộc Uighur sinh ra tại Tân Cương (Trung Quốc) hơn 10 năm trước đây di cư sang Thổ Nhĩ Kỳ. Nghi phạm khác là công dân Trung Quốc Yusuf Mieraili người Hồi giáo. "Dấu vết Uighur" hiện được cho là giả thuyết có nhiều cơ sở.
Say đây là ý kiến của chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ Stanislav Tarasov:
"Trên thực tế, có những dấu hiệu cho phép rút ra kết luận rằng, ở đây có "dấu vết Uighur". Ở Thổ Nhĩ Kỳ có một số thế lực cố gắng thúc đẩy hoạt động của "ốc đảo Thổ Nhĩ Kỳ" ở các nước lân cận và vùng sâu vùng xa. Đặc biệt ở Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng, thế lực ly khai Uighur sẽ không chống lại sự cám dỗ mở một mặt trận trung gian chống lại Trung Quốc bằng cách tổ chức những vụ tấn công khủng bố. Mục tiêu của họ là không chỉ tách Tân Cương ra khỏi Trung Quốc, mà còn làm mất uy tín Bắc Kinh trong thế giới Hồi giáo và ở khu vực Đông Nam Á. Đồng thời có thể thấy xu hướng gia tăng yếu tố Hồi giáo trong khu vực Đông Nam Á".
Ông Dmitry Mosyakov, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu phương Đông Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng, "dấu vết Uighur " trong vụ nổ bom ở Bangkok "sặc mùi" khủng bố quốc tế:
"Trước đây đã có tin rằng, lực lượng ly khai Uighur có liên quan tới "Al Qaeda". Bây giờ tôi không loại trừ mối liên hệ của chúng với IS. Nhờ các mối liên hệ này, phong trào ly khai nhận được sự hỗ trợ vật chất, và khả năng đào tạo chiến binh tại các trại huấn luyện của bọn khủng bố. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, kể cả với Trung Quốc. Mặt trận khủng bố Hồi giáo cực đưan đang mở rộng và lan ra những khu vực khác. Ý tưởng và khẩu hiệu tôn giáo cực đoan đan xen vào vấn đề dân tộc, trong trường hợp này là quan hệ giữa người Uighur và người Hán. Sau đó, mâu thuẫn này không còn là một vấn đề địa phương. Vấn đề này dẫn đến hành vi khủng bố, giống như những gì đã xảy ra ở Bangkok".
Nhân tiện xin nói luôn, "hành vi" của các phần tử ly khai Uighur ở Trung Quốc đã ảnh hưởng không chỉ đến Urumqi mà cả đến Bắc Kinh, và khu vực Đông Nam của đất nước. Trung Quốc đang đối mặt với mối đe dọa khủng bố nghiêm trọng. Và không có gì đảm bảo rằng nguy cơ này sẽ không ảnh hưởng đến các nước Đông Nam Á, một khu vực đa dân tộc với nhiều tín đồ Hồi giáo.