Nhưng chiến hạm này và những con tàu hải quân khác của Mỹ sẽ còn quay trở lại khu vực, — như AFP dẫn tuyên bố của các quan chức Mỹ. Hoạt động tuần tra khu vực quần đảo Trường Sa, như Tổng thống Obama hứa hẹn, sẽ được tiến hành thường xuyên.
Chúng ta đang là chứng nhân của một giai đoạn mới Mỹ-Trung đối đầu trên thực tế tại khu vực, — nhà sử học Việt Nam PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà nhận định.
"Mỹ đã hành động thực hiện tuyên bố không đứng về bên nào nhưng sẽ bảo vệ tự do hàng hải. Hoa Kỳ cho đây là vùng biển quốc tế, cần đảm bảo tự do lưu thông, có quyền tuần tra hải quân không cần e ngại nên đã thông báo với các nước trong khu vực, kể cả Nhật Bản, về việc tuần tra này, bất kể Trung Quốc tuyên bố là lãnh hải của mình xung quanh những hòn đảo nhân tạo mà họ bồi đắp. Sau phát biểu của Tổng thống Barack Obama khi ông Tập Cận Bình thăm Mỹ, Hoa Kỳ đã không điều tàu nhỏ của Hạm đội Bảy mà gửi chiến hạm lớn có yểm trợ của trực thăng chống ngầm và tên lửa "Tomahawk" tới tuần tra khu vực, như là sự thách thức hoặc phép thử — xem thái độ của Trung Quốc sẽ như thế nào. Phản ứng đầu tiên của Trung Quốc khá nhẹ nhàng, những đại diện ngoại giao cấp cao chỉ nói "sẽ theo dõi" và khuyên Mỹ suy nghĩ kỹ lưỡng, còn Trung Quốc sẽ "bảo vệ chủ quyền một cách phù hợp". Qua phản ứng dè dặt như vậy của phía Trung Quốc, chứng tỏ Bắc Kinh đuối lý trong vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Bởi theo qui định trong điều thứ 121 của Công ước LHQ về luật Biển (mà Trung Quốc cũng tham gia ký) thì những rạn đá không có người ở, không có hoạt động kinh tế thì không thể tạo chủ quyền. Ta thấy Mỹ rất khôn ngoan khi chọn khu vực đá Vành Khăn và đá Subi là hai rạn đá thường xuyên chìm ngập dưới nước để tuần tra, tránh sự diễn giải của Bắc Kinh cho rằng nơi đây thuộc lãnh hải của Trung Quốc. Như vậy Hoa Kỳ thể hiện sự kiên quyết bảo vệ quyền tự do đi lại trên Biển Đông, đặt Trung Quốc trước sự chấp nhận luật chơi chung của quốc tế chứ không thể ỷ lại vào sức mạnh của mình. Nhưng chúng ta hãy chờ xem những gì xảy ra tiếp theo, có thể là sang tuần sau, khi Hoa Kỳ tiếp tục phép thử bằng những cuộc tuần tra tại khu vực này. Tôi nghĩ đang có chuyển biến bước ngoặt trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông — một điểm nóng của khu vực hiện nay. Với phép thử và hành động bước đầu thể hiện hướng trở lại châu Á của phía Mỹ, dù chắc là Trung Quốc không dễ từ bỏ những tuyên bố xưa nay của họ, nhưng hy vọng sẽ có chuyển biến mới theo hướng tích cực hơn".
Một chuyên viên nghiên cứu cao cấp khác của Việt Nam là Đại tá Lê Thế Mẫu cho rằng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông là một trong những vấn đề quốc tế phức tạp nhất của thời đại chúng ta, và chỉ có thể được giải quyết bằng biện pháp chính trị. Về sự kiện mới đây trên Biển Đông,
Đại tá Lê Thế Mẫu phân tích như sau:
"Việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng hạ tầng cơ sở quân sự ở Biển Đông rõ ràng đe dọa an toàn tự do hàng hải tại nơi hội tụ lợi ích rất lớn của nhiều nước trong và ngoài khu vực. Do đó, hoạt động tuần tra của tàu Mỹ tại đây hiển nhiên thu hút sự chú ý của công luận thế giới. Mỹ tuyên bố không bênh vực bên nào, nhưng hoạt động trên cơ sở pháp lý nhằm bảo vệ an toàn tự do hàng hải ở Biển Đông. Cuộc tuần tra đầu tiên của tàu chiến Mỹ đúng là đã diễn ra trong vùng biển quốc tế, không vi phạm bất kỳ đạo luật nào, đặc biệt là Công ước LHQ về luật biển. Việt Nam cũng như các nước trong hay ngoài khu vực đều ủng hộ mọi hoạt động hợp pháp tích cực — không chỉ riêng của Mỹ — miễn là duy trì hòa bình ổn định cho khu vực, đảm bảo an toàn hàng hải và hỗ trợ lợi ích chung trong sự hợp tác tương ứng với pháp lý quốc tế.Tất nhiên cũng cần thấy rằng, xưa nay Hoa Kỳ luôn hành động phục vụ cho lợi ích chiến lược của họ. Đối với Mỹ thì lợi ích của họ là trên hết, như đã chứng tỏ ở nhiều nơi, cho nên ngoài việc duy trì an toàn hàng hải chung, Mỹ còn bảo vệ lợi ích đa dạng của chính mình. Cần lưu ý đến Thỏa thuận TPP mới được ký kết, có sự tham gia của Nhật Bản và Việt Nam — hai nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Như vậy, cùng với bảo vệ lợi ích kinh tế chiến lược của mình, Mỹ đang cố gắng bảo vệ lợi ích chính trị, tìm cách kết hợp củng cố vị thế và ảnh hưởng với các nước trong khu vực này".
Giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang diễn ra cuộc cạnh tranh địa chính trị giành quyền kiểm soát Đông Nam Á, — chuyên viên Đông phương học nổi tiếng của Nga từ ĐHTH Quốc gia Saint-Peterburg, GS-TSKH Vladimir Kolotov nhận xét.
"Cả bên này lẫn bên kia đều bảo vệ chỉ lợi ích riêng của mình, cố gắng sử dụng các nước vừa và nhỏ tại khu vực Đông Nam Á. Bảo vệ tự do hàng hải là cái cớ mà người Mỹ đang dùng rất thành thạo để tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực. Và một phần đáng kể các nước vừa và nhỏ của khu vực Đông Nam Á đang ủng hộ tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực, vì họ cho rằng bằng cách như vậy sẽ có thể bảo vệ mình trước Trung Quốc. Tôi cho rằng điều đó sẽ không xảy ra. Khi phát biểu những tuyên bố chống Trung Quốc, Hoa Kỳ nâng cao vai trò của Washington trong mắt cư dân và các chính trị gia Đông Nam Á, và song hành gia tăng hiện diện của Mỹ. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy rằng chính Hoa Kỳ đã hiệp lực với người Trung Quốc trong việc thiết lập quyền kiểm soát với cả hai quần đảo thuộc Việt Nam — là Hoàng Sa vào năm 1974, và Trường Sa vào năm 1988. Chính họ đã tạo ra tình trạng này, và bây giờ Hoa Kỳ đâu có công nhận các quần đảo này là của Việt Nam?. Đối với các nước vừa và nhỏ của khu vực, điều quan trọng trên hết không phải là tự do hàng hải mà là chủ quyền, còn đối với Hoa Kỳ thì quan trọng là tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực này của thế giới. Bảo vệ tự do hàng hải chỉ là cái cớ để khoe vũ khí và trò chơi cơ bắp. Theo nhãn quan của tôi, kịch bản có thể nhất của diễn biến sự kiện, mà điều này cũng đã được các chuyên viên Việt Nam viết rõ, — sẽ là cuộc "đi đêm"- đàm phán bí mật giữa người Trung Quốc và người Mỹ. Tính đến kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng sự đan xen lẫn nhau về lợi ích, họ sẽ không đi tới xung đột nghiêm trọng, sẽ không đổ máu của người Trung Quốc cũng như người Mỹ. Cả hai nước đều đang lợi dụng tình hình này để giành ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á, Hoa Kỳ — với một số nước, còn Trung Quốc — với số nước khác. Áp lực địa chính trị sẽ càng tăng, và điều đó rất nguy hại đối với chủ quyền của các nước trong khu vực".