Chính phủ Mỹ đã chưa bao giờ che giấu thực tế rằng thỏa thuận về TPP là nhằm mục đích chống ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đó là lập luận chiến lược mà Washington sẽ không rời bỏ. "Chúng ta không thể cho phép các quốc gia như Trung Quốc viết ra các quy tắc của nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta cần viết ra các quy tắc, và thỏa thuận tại Atlanta sẽ đảm bảo điều đó." Đây là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 6 tháng 10, một ngày sau khi đăng ký hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương ở Atlanta. Phải chăng, Hoa Kỳ mời Trung Quốc vào TPP và hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ tuân theo luật chơi của Mỹ?
Trong toàn bộ quá trình đàm phán 5 năm về việc thành lập TPP, trên thực tế, cuộc đàm phán giới hạn trong liên lạc song phương giữa Hoa Kỳ với các thành viên tiềm năng có thể tham gia hiệp ước. Với một "cơ chế" như vậy, giai đoạn đầu đã giúp Hoa Kỳ gạt Trung Quốc ra khỏi các nhà đàm phán tiềm năng về gia nhập TPP. Và bây giờ, tuyên bố của ông John Kerry có thể được hiểu như là Hoa Kỳ cũng sẽ áp dụng thực tế đàm phán như vậy trong quá trình Trung Quốc gia nhập TPP.
Một tháng trước, Trung Quốc có phản ứng khá kiềm chế đối với thỏa thuận về TPP ở Atlanta. Trung Quốc mở cửa cho các cơ chế thực hiện theo quy định của WTO và có mục đích thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố.
Trong khi đó, cộng đồng chuyên gia không loại trừ rằng các quy tắc mà Hoa Kỳ nêu ra cho TPP, không nhất thiết phải đáp ứng toàn bộ tiêu chuẩn của WTO. Cộng tác viên của Viện Phát triển đương đại Nikita Maslennikov nói:
"Ở đây có một nguy cơ rất đáng kể rằng các quy tắc cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể hơi khác so với các quy tắc của WTO. Nói đúng ra, phần còn lại của thế giới sẽ sống theo các quy tắc của WTO, còn các thành viên của TPP sẽ theo các quy tắc của họ. Từ đây có thể xuất hiện những vấn đề phức tạp lớn, đòi hỏi một số cải cách trong WTO."
Trung Quốc sẽ có lợi gì khi gia nhập TPP? Chuyên gia Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Trung Quốc Wang Wei nói:
"Trung Quốc không có lợi khi gia nhập TPP. Mỹ muốn từng bước mở cửa thị trường, mà thị trường của lục địa châu Á, Trung Quốc và Nga đơn giản là rất lớn. Họ hy vọng rằng với sự gia nhập của Trung Quốc thì sẽ hủy bỏ thuế hải quan, khiến cho hàng hóa Mỹ cạnh tranh hơn trong thị trường châu Á, nhưng Trung Quốc sẽ không được lợi. Hiện nay trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang lập ra các khu vực thương mại tự do khác nhau,chúng ta có thể lựa chọn giữa TPP với khu vực thương mại tự do "Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc", khu thương mại tự do "Trung Quốc-Australia", hoặc hợp tác với Ấn Độ. Đạt được khu vực tự do thương mại trong phạm vi nhỏ thì khá dễ dàng, còn trong một khuôn khổ rộng lớn thì rất phức tạp. Hiện nay hầu hết các nước gia nhập TPP vẫn chưa phê chuẩn thỏa thuận. Đây là một quá trình rất dài. Tôi xin nhắc lại một lần nữa, hiệp định có thể vấp phải vấn đề dỡ bỏ thuế hải quan. Đối với Trung Quốc, điều đó không có lợi."
Việc Mỹ mời Trung Quốc tham gia TPP góp thêm một số âm mưu. Rõ ràng, Washington đã bắt đầu một cuộc chơi mới trong sự cạnh tranh với Trung Quốc và thực sự đánh giá đúng khả năng nước này có thể trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới.